Vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM có nhận đơn phản ánh về một số vấn đề liên quan đến bà Lâm Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM.
Nội dung đơn ghi: “Tháng 10 và 11-2010 chúng tôi đã không nhận lương đúng hạn, bắt ép kế toán Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thôi việc; Thu tiền nha học đường nhưng không được khám chữa răng đều đặn, khám qua loa; Bắt giáo viên phải thu tiền hội phí phụ huynh; Tự ý đề bạt khen thưởng những cá nhân không rõ ràng, không công bố trước hội đồng; Trù dập bà Huỳnh Thuận Phi Yến vì đã làm đơn tố cáo bà hiệu trưởng…”.
Sáng 29-12, trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Thị Ngọc Anh cho biết việc trễ lương của CB-GV-CNV là có thật. Trong tháng 10-2010, nhà trường có sự biến động lớn về nhân sự, cụ thể là bộ phận kế toán. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, kế toán cũ tự nhận thấy việc quá nhiều, hơn nữa không có năng lực nên đã gửi đơn xin nghỉ. Nhà trường xin ý kiến Phòng Nội vụ tuyển kế toán mới, trong khi chờ quyết định thì kế toán đã xin nghỉ nên không thể ký vào bảng lương. Và những lần sau, kế toán chỉ làm được vài ngày là nghỉ vì chưa có kinh nghiệm cộng với khối lượng công việc quá lớn. Cho đến ngày 5-11-2010 mới có kế toán mới và đã có lương cả hai tháng 10 và 11 cho giáo viên từ ngày 9-11". Còn việc tự ý đề bạt khen thưởng những cá nhân không rõ ràng, không công bố trước hội đồng để nhận giấy khen và tiền thưởng, bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho rằng: “Nhà trường lập danh sách để bình chọn cá nhân có thành tích nổi trội trong phong trào thi đua yêu nước để khích lệ chứ không hề có giấy khen cũng như tiền thưởng. Hơn nữa, dù chỉ để khích lệ nhưng vẫn được bình chọn đúng nguyên tắc, khoa học”.
Việc kêu gọi giáo viên đóng góp một ngày lương, bà Ngọc Anh nói: “Chúng tôi thực hiện theo văn bản của Công đoàn ngành để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thuộc vùng sâu vùng xa. Nhà trường kêu gọi giáo viên tình nguyện đóng góp chứ không bắt ép dựa trên mức chung là 30 ngàn đồng (đối với CB-GV-CNV trong biên chế) và 20 ngàn đồng (ngoài biên chế)”. Còn những sự việc khác mà trong đơn phản ánh nêu, bà Ngọc Anh cho rằng bà đã bị kẻ nào đó đặt điều vu khống. Bà Anh cho biết: “Tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ cá nhân nào đã vu khống tôi nhiều lần trong thời gian qua”.
Trước đó, bà Lâm Thị Ngọc Anh cũng đã bị bà Huỳnh Thuận Phi Yến, nhân viên y tế của trường phản ánh việc quyết toán tiền đi tập huấn công tác y tế. Thông báo số 597/TB-GDĐT ngày 25-8-2010 trả lời các báo, đài của Phòng GD-ĐT quận 11 có nêu: “Bà Yến khi tường trình phải đúng sự việc, chính xác. Việc tường trình không đúng sự thật có ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của đồng nghiệp cần nhận khuyết điểm trong Hội đồng sư phạm nhà trường”.
Trong môi trường làm việc, đặc biệt là môi trường sư phạm mà để xảy ra tình trạng tố cáo lẫn nhau nhằm chia rẽ đoàn kết là điều không nên. Qua sự việc này, thiết nghĩ nhà trường cũng như Phòng GD-ĐT quận cần có biện pháp xử lý triệt để, rút kinh nghiệm về công tác tổ chức để góp phần đẩy mạnh chất lượng giảng dạy ngày một nâng cao.
Tuy An
Bình luận (0)