Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: M.TÙNG |
Kết quả thi đại học – cao đẳng 2012 bắt đầu được công bố. Đối với không ít sĩ tử, cánh cửa vào đại học đã khép lại. Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn không ít cánh cửa khác đang chờ đón các bạn. Hồi ấy, tôi rớt hai trường đại học nên xem như mọi thứ đã chấm hết. Cầm tờ giấy báo kết quả thi, tôi cứ tưởng như có ai đó đấm mạnh vào mặt. Tôi học không tệ, vậy mà… Ba mẹ và những người thân cũng thất vọng ra mặt, không ai thèm nói với tôi một lời nào, mặc dù lúc này, tôi cần lắm một lời an ủi, động viên… Tôi bắt đầu có những ngày sống ơ hờ, suốt ngày rong ruổi ngoài đường như kẻ mất hồn. Trong khi thằng bạn thân nhất của tôi thi đậu đại học, nhưng vì nhà nghèo, nó đành phải bảo lưu kết quả để đi làm thêm vừa phụ giúp gia đình, vừa kiếm tiền để năm sau học lại. Nhìn thấy nó, tôi càng có thêm nghị lực, tôi quyết tâm ôn luyện và năm sau, tôi đã thi đậu vào ngành điện của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.
Khát khao đỗ vào đại học là điều đáng khích lệ và là chuyện… bình thường. Nhưng sẽ là không bình thường nếu như ai đó quan niệm đại học là con đường duy nhất để vào đời. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng, con đường vào đời không nhất thiết phải có tấm bằng đại học. Tôi thực sự tự hào khi được học dưới mái trường mà cách đây hơn 80 năm, Bác Tôn đã được đào tạo thành một người thợ giỏi. Ra trường, tôi có việc làm ổn định, thu nhập khá. Theo tôi, nghề nào cũng vậy, miễn là nuôi sống được bản thân, phụ giúp ba mẹ và đóng góp cho xã hội là tốt rồi. Nếu ai cũng là “thầy” thì ai sẽ là “thợ” đây? Đất nước mình trên đà phát triển rất cần những cử nhân, bác sĩ nhưng cuộc sống vẫn không thể thiếu những y tá, hộ lý giỏi, những người thợ có kỹ thuật cao, có đúng vậy không các bạn?
NGÔ MINH TÙNG (Quận 4 – TP.HCM)
Bình luận (0)