Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tôi đã chọn ngành như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn ngành phù hợp với bản thân, năng lực
Mùa thi ĐH, CĐ 2010 đã cận kề, các bạn học sinh lớp 12 đang háo hức để chọn cho mình một hướng đi, một ngành nghề cho tương lai. Chọn nghề nào đây? Một câu hỏi tưởng chừng rất dễ nhưng lại rất khó, và việc ta chọn nghề đúng hay sai nhiều khi phải mất rất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi đó.
Cách đây 4 năm về trước tôi cũng giống như các bạn phải băn khoăn trong việc chọn ngành nghề cho tương lai. Xung quanh tôi lại có nhiều góp ý khác nhau trong việc lựa chọn. Một vài người khuyên tôi rằng: Đứng trước nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển, những ngành nghề nào là model và thời thượng thì ta lao vào, như vậy sẽ dễ kiếm việc làm trong tương lai và tiền lương sẽ nhiều hơn. Một số ý kiến khác cho rằng: Nên chọn ngành nào điểm thi năm trước thấp, tỉ lệ chọi thấp, như vậy khả năng đậu sẽ cao, sau này ra trường sẽ tính chuyện đi làm sau. Riêng bố mẹ khuyên tôi nên theo nghề giáo viên. Theo sự phân tích của bố mẹ, làm giáo viên công việc nhẹ nhàng, có thể chu toàn giữa công việc và gia đình, nghề lại ít sự cạnh tranh và áp lực trong công việc… rất phù hợp cho dáng vóc nhỏ con của tôi.
Sau khi được mọi người cho nhiều lời khuyên, và tự nhận thấy năng lực của mình tôi quyết định đăng kí thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi chọn nghề giáo không phải vì công việc nhẹ nhàng, có thể chu toàn giữa gia đình và công việc, hay ít cạnh tranh áp lực như bố mẹ khuyên mà bởi vì tôi thấy: Nghề giáo là nghề thiêng liêng. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi có thể truyền dạy những lời văn, câu chữ cho các em học sinh, giúp các em hiểu biết được những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta qua từng câu ca dao, qua từng lời thơ, câu chữ. Và tôi cũng cảm thấy mình có ích hơn trong việc góp phần sức lực của bản thân để uốn nắn, xây dựng các mầm mống tài năng cho đất nước.
Jean- Paul Sartre đã từng nói: “Ý nghĩa của cuộc sống phải do bạn ban tặng. Giá trị của cuộc đời người không phải cái gì khác mà là cái ý nghĩa bạn đã chọn”.
Các bạn cần trao đổi ý kiến của mình với thầy cô giáo, gia đình hay tham khảo một vài ý kiến của người khác, để họ giúp bạn trong việc lựa chọn. Nhưng các bạn nhớ rằng, tất cả những lời khuyên, góp ý của người khác chỉ có thể cung cấp cho bạn tham khảo. Chọn lựa cuối cùng cần phải do chính bạn đưa ra. Bạn chỉ cần dựa vào thực tế khách quan của bản thân mình mà đưa ra sự lựa chọn hợp lý.
Trần Hoàng Nhã Trúc
(lớp văn 4, K32, khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)