Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tôi đã định hướng cho con vào nghề sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Ảnh: Anh Khôi

Thuở nhỏ, mẹ tôi – cũng là một nhà giáo – thường dạy tôi rằng: Nghề giáo tuy vất vả nhưng cao quý lắm con ạ. Rồi mẹ khuyên tôi “Con cố gắng học giỏi để khi lớn lên thi vào trường sư phạm”.
Vâng lời mẹ, tôi cố gắng học tốt, nhưng khả năng tôi chọn nghề dạy học chỉ là 50/50 bởi có nhiều yếu tố khách quan tác động, đặc biệt là sự tác động từ những bạn bè đồng trang lứa. Tốt nghiệp THPT, tôi không nộp hồ sơ dự thi vào trường sư phạm như lời mẹ dặn mà đăng kí đi tuyển nghĩa vụ quân sự và tôi đã trúng tuyển thật. Ngày tiễn tôi lên đường, mẹ đã gạt nước mắt, động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự để sớm trở về thi vào trường sư phạm. Tuy nhiên, khi sắp hết nghĩa vụ quân sự, được đơn vị tạo điều kiện, động viên nên tôi nộp hồ sơ thi vào một trường sĩ quan thuộc quân đội. Lúc này, trong suy nghĩ của tôi, có lẽ nghề giáo ngày càng trở nên xa vời, nhất là sau khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường ĐH Nguyễn Huệ) thì điều đó đã trở nên rõ nét.
Ước mơ trở thành thầy giáo của tôi thật sự đi vào dĩ vãng khi tôi chọn con đường binh nghiệp. Ngày khoác ba lô về học tập tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, mẹ lại viết thư động viên tôi “Con cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng là người sĩ quan quân đội, xứng đáng với hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nhé”. Nhận được thư của mẹ, tôi thấy lòng nhẹ nhõm bởi không thấy mẹ nhắc tiếng nào về nghề giáo – điều mà trước đây mẹ luôn khuyên nhủ tôi phải phấn đấu để thi vào cho bằng được.
Không biết có phải duyên trời cho tôi sinh vào ngày 20-11, nên nghề giáo lại “bén duyên” với tôi ngay chính trong môi trường binh nghiệp. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi được nhà trường giữ lại làm cán bộ. Dù là người cán bộ trung đội, đại đội quản lý học viên… thì chúng tôi cũng là những “người thầy thứ hai” đích thực bởi chúng tôi đóng vai trò quản lí, hướng dẫn học viên các kĩ năng, kinh nghiệm để các em ngày càng trưởng thành hơn trên con đường binh nghiệp của mình. Sau một thời gian làm cán bộ quản lí ở các đơn vị cơ sở, tôi được nhà trường cử đi học lớp giáo viên và ước mơ trở thành nhà giáo của tôi “bỗng dưng” trở thành hiện thực. Thấy tôi “bỗng nhiên” nối nghiệp nhà giáo của mẹ, mẹ tôi cười bảo: “Mẹ đã nói rồi, con có chạy đâu cũng không thoát được nghề giáo!”. Ngẫm lại, tôi thấy mẹ nói có lí, dù cái lí của mẹ mang tính “cảm tính” nhiều hơn.
Cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì nghề giáo bao giờ cũng khẳng định được vị thế của mình trong đời sống xã hội.
Rồi tôi cũng có gia đình, con tôi ngày càng lớn lên. Những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, cháu có hỏi tôi về việc chọn ngành, chọn trường thi. Mặc dù rất tôn trọng quyết định của con nhưng tôi vẫn định hướng cho cháu thi vào ngành sư phạm và thật bất ngờ khi cháu đã chọn đi học sư phạm mầm non mà không chọn ngành khác và cháu cũng trúng tuyển.
Ngày đưa con đi nhập học vào trường sư phạm, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình đã trúng tuyển, đã “đi” đúng đường mà tôi định hướng nhưng tôi cũng lo rất nhiều. Nhiều đêm tôi cứ suy tư, trằn trọc vì quãng đường học tập tuy dài nhưng vấn đề là sau khi ra trường liệu cháu có xin được việc làm hay không? Thu nhập của đội ngũ giáo viên so với các ngành, nghề khác tương đối thấp trong khi cường độ làm việc lại cao, đòi hỏi người thầy phải thực sự tâm huyết, đồng thời yêu cầu từ các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung đối với nghề giáo cũng rất lớn. Không lo nghĩ sao được trong khi các ngành sư phạm đang có xu hướng “mất giá”, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT dự thi vào các ngành sư phạm giảm xuống hàng năm đến nỗi các nhà quản lí, các nhà chuyên môn phải lên tiếng báo động… Có lẽ những băn khoăn của tôi cũng là “nỗi niềm” của nhiều sinh viên các trường sư phạm, của phụ huynh đang có con em theo học ngành sư phạm… Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ lời mẹ dặn trước đây, đại ý rằng: Có hai nghề cao quý trong xã hội, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Thầy giáo sẽ gieo chữ “nhân” chữ “đức” ở con người, và mục tiêu thầy thuốc cũng là để cứu người. Trong đó, muốn cứu được người thì người thầy thuốc phải xuất phát từ hai chữ “nhân”, “đức” nói trên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”, hay cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của nhà giáo: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo…”.
Biết rằng, trước mắt con tôi sẽ gặp không ít khó khăn khi chọn nghề giáo nhưng tôi vẫn luôn tự hào rằng, tôi đã đúng khi định hướng cho con tôi vào nghề dạy học.
ThS. Nguyễn Thanh Hải (Trường ĐH Nguyễn Huệ)
 LTS: Chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết của một giảng viên, đồng thời cũng là một phụ huynhchia sẻ về sự “bén duyên” của mình với nghề sư phạm.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)