Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tôi đã từng thi rớt ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Buồn là cảm xúc đương nhiên khi chúng ta gặp phải điều không mong muốn (ảnh minh họa). Ảnh: T.B

Mẹ tôi vốn là giáo viên một trường THPT có tiếng tăm của tỉnh. Hai chị gái lần lượt thi đậu vào các trường ĐH như mơ ước của gia đình. Còn tôi là học sinh xuất thân từ trường chuyên và nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường. Chỉ bấy nhiêu thôi đã làm cho tôi cảm thấy ngạt thở mỗi khi nghĩ đến điểm số 18 ít ỏi của mình trong kỳ thi ĐH năm ấy.
1. Tôi thấy mình như một “tội đồ” vậy. Ba từng nói với tôi: “Ngày xưa ba đã không thể bước vào ngưỡng cửa ĐH dù đó luôn là ước mơ cháy bỏng. Bây giờ, ba mong muốn tất cả các con ai cũng đậu ĐH…”. Lời nói của ba càng nuôi lớn quyết tâm vào ĐH của tôi, vậy mà…
Ra khỏi phòng thi, tôi khá hài lòng với bài thi mình đã làm. Dân chuyên văn mà lại thi văn thì sao mà rớt được. Theo dự đoán của tôi, tổng điểm các môn thi là 18, cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên là 19,5 – dù không cao nhưng cũng khá an toàn. Tôi vui vẻ chờ công bố điểm tuyển vì biết chắc thế nào mình cũng sẽ trở thành một tân sinh viên khiến ba mẹ và ông bà hài lòng. Thế nhưng, năm ấy ngành sư phạm văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lấy 20 điểm. Tôi trượt khi chỉ thiếu 0,5 điểm. Chẳng có đau khổ nào như thế này.
Ba không nói gì nhưng nhìn tôi như muốn nói “Mày là đồ ăn hại”. Mẹ tức giận và liên tục mắng mỏ. Những lời lẽ đầy tính “sát thương” cứ tuôn ra làm trái tim tôi rướm máu: “Nuôi cho ăn học đến bằng tuổi này coi như là đổ sông đổ biển. Mày xem có anh chị nào trong họ hàng nhà mình thi rớt chưa. Ra đường tao còn mặt mũi nào gặp bà con họ hàng nữa…” hay “Sao mày lại học ngu thế”… Tôi chẳng có một “đồng minh” nào bên cạnh cả, vô cùng cô đơn trong chính gia đình của mình. Lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ nhà đi cho xong, đỡ phải nghe càm ràm, nhiếc mắng.
 LTSGiáo Dục TP.HCM số ra ngày thứ tư 8-8, trên trang 7 có đăng bài Giúp con vượt qua cú sốc rớt ĐH. Ngay sau khi báo ra, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về vấn đề này. Từ số báo này, tòa soạn sẽ mở diễn đàn Giúp con vượt qua cú sốc rớt ĐH để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với các em học sinh. Dưới đây là bài viết của một sinh viên đã từng tuyệt vọng, buồn chán vì thi rớt ĐH.
Trong lúc cùng cực chịu đựng mọi lời soi mói, trách móc tôi đã vứt bỏ hết số sách trên kệ để rồi phải “ăn” hai cái tát của ba. Do không kiềm chế được cảm xúc, ba đã chỉ tay ra cổng và đuổi thẳng tôi ra khỏi nhà. Tôi bỏ đi thật. Từ Thái Bình đến Hà Nội, trong lúc “cù bất cù bơ”, một chị bán hàng rong thương tình đã cho tôi tạm tá túc vài ngày. Chị mất cả cha lẫn mẹ, sống với bà ngoại trong một khu “ổ chuột”. Ở đây, tôi nghe chị kể về chính câu chuyện của mình: “Chị muốn được một lần làm ba mẹ thất vọng như em để ít ra chị biết mình còn có ba, có mẹ”. Chị khuyên tôi quay về xin lỗi ba mẹ vì đã vứt sách và bỏ đi. Nhưng thật sự khi ấy với tôi như đã đến bước đường cùng, tôi chẳng nghe lời ai cả. Mới ở có hai ngày tôi đã rợn óc với cảnh mấy ông chú say khướt, đập phá đồ đạc loảng xoảng. Vừa nhớ nhà vừa lo sợ nhưng lại chẳng dám về nhà… Tôi cứ trốn biệt trong xó phòng trọ. Ý nghĩ tự tử bằng thuốc diệt chuột “lướt” qua đầu. Tôi tìm ra thuốc chuột và giấu trong giỏ xách, đợi chị ngủ say sẽ thực hiện kế hoạch mà mình đã vạch ra.
Đứng giữa sự sống và cái chết, tôi biết mình thật sai lầm. Tôi còn muốn sống lắm nên giãy giụa, kêu cứu… Chỉ ít phút sau tôi được chuyển tới bệnh viện cấp cứu. Rồi chị quýnh quáng lục tìm địa chỉ trong đồ đạc của tôi để liên lạc với gia đình…
2. Gặp lại tôi trong hoàn cảnh bi đát, mọi người đều rơi nước mắt, nói lời ân hận khiến tôi xúc động quên hết muộn phiền dù sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi bình phục hẳn, tôi được quyền lựa chọn là học theo nguyện vọng 2 hay là ôn tập thi lại vào năm sau. Tôi chọn ngành theo ý thích của mình, không cần phải theo truyền thống trở thành cô giáo như mong muốn của ba mẹ. Tôi đã chọn nguyện vọng 2 vào ngành báo chí của một trường CĐ. Và giờ đây, tôi thích ngành báo chí chẳng khác gì cái ngành mà tôi đã thi rớt. Tôi đã dám nhìn thẳng vào sự thật “rớt ĐH” và vượt qua một cách bình tĩnh, tự tin khi không còn áp lực nào từ phía bản thân cũng như gia đình.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong tác phẩm Mùa lạc: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Chẳng phải Bill Gates và Steve Jobs – hai người rất thành công trong sự nghiệp mà không cần phải có tấm bằng ĐH lót đường đấy sao? Quan trọng là bạn có ước mơ và có quyết tâm can đảm theo đuổi ước mơ trên con đường đã chọn của mình, dù sớm hay muộn thì thành công cũng sẽ mỉm cười với bạn. Dù bạn không đậu ĐH nhưng vượt qua thất bại của bản thân tìm cho mình con đường khác để đi là đã thành công. Vì vậy, chẳng việc gì phải sợ hãi khi rớt ĐH mà vẫn còn muôn vàn lối đi cho tương lai ở phía trước.
Khánh Đan
 
Rút kinh nghiệm để cố gắng
Số lượng thí sinh thi rớt ĐH không hề ít và đa số vẫn vượt qua được cú sốc đầu đời này. Tuy nhiên, một số em lại rơi vào trong cái hố sâu của sự tuyệt vọng bởi suy nghĩ về việc thi cử còn bó hẹp. Các em chưa nhận ra rằng ĐH cũng chỉ là một cây cầu để qua phía bên kia bến bờ của sự thành công. Ngoài nó ra, chúng ta còn những cây cầu khác, còn cả thuyền bè, còn nhiều con đường khác để đi. Những bạn này tự trói hy vọng của mình trong suy nghĩ rằng ĐH là con đường duy nhất; mặt khác, các em chưa có bản lĩnh để đối diện thất bại. Thất bại không có nghĩa là tương lai chấm hết mà có nghĩa là ta phải rút kinh nghiệm để cố gắng lần nữa hoặc đi một con đường khác. Nếu không có kỹ năng tự giải tỏa và vượt qua áp lực, cảm xúc thất vọng sẽ dai dẳng chi phối và khiến cho bản thân từ bỏ sự cố gắng, chán nản, gục ngã, thậm chí là tự tử. Ngoài ra, nếu gia đình ít trò chuyện, ít thể hiện sự quan tâm và động viên mà thậm chí còn khiển trách hay cô lập sẽ làm gia tăng áp lực lên các em, khiến cho các em trở nên xấu hổ với mọi người, tự dằn vặt mình và dễ dàng suy sụp.
Buồn là cảm xúc đương nhiên khi chúng ta gặp phải điều không mong muốn, nhưng quan trọng là chúng ta sẽ làm gì với nỗi buồn của mình. Hãy thử nghĩ xem: Bao nhiêu người có cùng nỗi buồn giống mình trong kỳ thi này? Câu trả lời là rất nhiều và không phải ai trong số họ cũng suy sụp. Một số biến nỗi buồn thành quyết tâm ôn luyện cho kì thi khác, một số thì tạm gác nỗi buồn qua để suy nghĩ vạch ra con đường mình sắp đi tới.
Thất bại không có nghĩa là bạn hết hy vọng mà nó có nghĩa là chúng ta đã đặt mục tiêu không vừa sức. Vì vậy hãy đặt lại một mục tiêu khác mà ta có thể nắm chắc trong tầm tay, như học CĐ hay ra học nghề chẳng hạn. Thất bại cũng không có nghĩa là chấm hết, mà có nghĩa là bạn cần một khởi đầu mới, một con đường khác.
Ai cũng từng thất bại trong đời cả, lúc này hay lúc khác, buồn sẽ không cải thiện được kết quả và cũng không giải quyết được chuyện gì. Hãy hành động để lấy lại niềm tin ở người khác về mình, muốn làm được điều đó, đầu tiên hãy lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)