Bài cuối: Chào nhé, game online
Trò chơi vận động giúp các học viên giải tỏa được cơn ghiền và gần nhau hơn |
Mỗi ngày có 24 tiếng thì có đến 10 tiếng “ngồi đồng” ở quán net. Quên ăn, quên ngủ vì… game online; bỏ học, bỏ nhà, bỏ cả tương lai vì… game online; thờ ơ trước đòn roi của cha, vô cảm trước lời van xin của mẹ cũng vì… game online. Cứ ngỡ rằng, khi “nghiện” game online thì hết thuốc chữa. Nhưng, với lớp “cai nghiện” này, các game thủ đã biết nói không với game online.
Game online không còn là niềm đam mê
Ngày đầu tiên tới lớp Cai nghiện game online, Quang Minh (Vũng Tàu) chỉ muốn về. “Ở đây buồn lắm, tìm đỏ cả mắt cũng không thấy một quán net”, Quang Minh nhớ lại. Không chỉ em mà hầu hết các học viên trong lớp đều có chung tâm trạng…
Sau khi nhận phòng nghỉ, các game thủ tự chui vào cái vỏ ốc của mình và coi những người xung quanh như “người đã chết”. Đóng giả làm game thủ, các đồng đẳng viên từ từ giúp những học viên này ra khỏi vỏ ốc để hòa mình vào hoạt động vui chơi. Những trò chơi vận động như “Chui địa đạo tiếp sức”, “Chuyển chanh bằng muỗng”, “Trồng tháp người”, “Bịt mắt xây nhà”… dần dần đánh thức tình cảm tương thân, tương ái của các học viên.
“Qua những trò chơi này, em đã nghe được tiếng reo hò khích lệ của mỗi học viên, cảm nhận được bằng da bằng thịt cái bắt tay, cái vỗ vai của mọi người. Đây là những cảm giác mà trong thế giới ảo không tồn tại…”, Quang Minh tâm sự.
“Trước đây, Bo (tên ở nhà của Quang Minh) học rất giỏi, hầu như năm học nào cũng xếp thứ nhất. Đến năm lớp 8, Bo bắt đầu chơi game và sức học cũng từ đó mà giảm dần. Năm 2006, trầy trật lắm Bo mới thi đậu vào lớp 10. Năm lớp 10, Bo phải ở lại lớp vì điểm trung bình cả năm học chỉ có 4,8 điểm. Đã có nhiều lúc Bo bỏ học 3 – 4 ngày không đến lớp, vậy mà vợ chồng tôi không hay biết gì. Khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo, vợ chồng tôi mới té ngửa. Đến lúc này chúng tôi mới biết con “nghiện” game. Tất cả các biện pháp như nhốt trong phòng, đánh, dụ dỗ, đưa tới các chuyên gia tâm lý nhưng vẫn không thể kéo con rời xa thế giới ảo. Bây giờ thì ổn rồi…”, ông Thịnh – ba của Minh tâm sự.
Bây giờ, Quang Minh đã biết đỏ mặt khi không thuộc bài, cảm nhận sự thiếu vắng khi ba đi công tác xa và trên hết đã biết “nói không với game online”.
Những buổi làm bánh, giặt đồ để tặng cho các bạn ở mái ấm, nhà mở đã giúp Thanh Phúc – 16 tuổi (Long An) tìm được giá trị của bản thân. Phúc nhận ra mình không chỉ ra tay nghĩa hiệp với những kẻ yếu trong các trò chơi của Vina game mà còn có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống thực. “Khi tặng bánh, tặng áo cho các bạn ở mái ấm, nhà mở, em đã nhận được những lời cám ơn, những ánh mắt chân thật. Thì ra trong thế giới thực có nhiều điều còn thú vị hơn cả thế giới ảo. Giờ thì em đã có niềm đam mê khác rồi ạ”, Phúc kể lại.
Hoàn cảnh gia đình Phúc khá đặc biệt. Năm em lên 4 tuổi, ba mẹ ly hôn, Phúc ở với mẹ. Khi Phúc học lớp 5 thì mẹ đi lấy chồng và giao Phúc cho bà ngoại nuôi. Buồn, chán nên Phúc bắt đầu chơi game. Đang học dở lớp 7, Phúc bỏ học. Lúc đó bà ngoại gọi điện cho mẹ của em về “dạy con”. Phúc được mẹ đưa lên TP.HCM và đi học lại. “Ở TP.HCM có nhiều quán net hơn ở Long An, các game thủ ở đây cũng “siêu” hơn nên em thường xuyên bỏ học để “luyện”. Rốt cuộc là bị đuổi học. Lúc đó, dượng định đưa em vào trường giáo dưỡng nhưng mẹ đã van xin ông ấy cho em một cơ hội. Sau đó mẹ đưa em tới lớp học này. Cả em và mẹ đều không hy vọng gì nhưng đây là cơ hội cuối cùng nên quyết định thử, nào ngờ… em đã thắng”, Phúc cho biết.
Phải có sự hỗ trợ của gia đình
“Phần lớn nguyên nhân “nghiện” của các em đều bắt nguồn từ gia đình. Vì vậy muốn các em từ bỏ được game thì phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ với trung tâm. Mỗi tuần, sau khi trả các học viên về cho phụ huynh, chúng tôi đều tư vấn để họ biết cách ứng xử với con. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng làm tốt…”, bà Trần Thị Kim Liên – Phó giám đốc TT Văn hóa Thể thao TTN miền Nam cho biết.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của lớp Cai nghiện game online là tạo điều kiện cho các học viên viết ra những “Điều em muốn nói”. Đọc những “Điều em muốn nói” của các game thủ, tôi nhận thấy điều ước của các em thật giản dị. Chỉ là ước được “mỗi buổi tối, cả nhà cùng ngồi quây quần bên mâm cơm”, hay “thỉnh thoảng được ba chở đi học”…
Đọc điều ước của con, chị Thuần (Q.Phú Nhuận) không sao cầm được nước mắt. Thắng – con trai chị chỉ ước “ba mẹ thôi đóng kịch trước mặt con”. Chị là giảng viên đại học, anh là bác sĩ, họ có hai đứa con – một trai, một gái. Cả hai đứa con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Nhìn gia đình anh chị, ai cũng phải ghen tỵ với hạnh phúc của họ. Nào ai biết được từ 5 năm nay anh chị đang đóng kịch. Đóng kịch với các con, với họ hàng hai bên, bạn bè và hàng xóm… Anh có bồ, chị cũng có bạn trai nhưng họ không dám đưa nhau ra tòa vì “hai con còn nhỏ”. Vợ chồng chị Thuần cứ ngỡ rằng hai con không biết nhưng “Đọc xong điều ước của con, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Hóa ra, các con tôi đều đã biết sự thật và biết từ lâu rồi”, chị Thuần thốt lên xót xa.
Còn Long (Q.3) – “em chỉ ước mỗi tuần được ăn cơm với ba mẹ một lần”. Trước đây điều đó là hiển nhiên nhưng từ ngày ba mẹ mở nhà hàng ở Vùng Tàu thì chị em Long phải ăn cơm với osin. “Ba mẹ giao trách nhiệm chăm sóc em và chị Hai cho dì Hà – osin. Dù dì Hà rất tốt, chăm sóc cho tụi em từ bữa ăn đến giấc ngủ nhưng làm sao mà bằng ba mẹ được. Có chuyện vui, chuyện buồn, hai chị em chỉ biết nói với nhau. Nói thì nghe thôi chứ đâu biết làm gì. Còn đợi ba mẹ về để tâm sự thì đến cả tháng, vào mùa làm ăn có khi hai tháng ba mẹ mới về. Thậm chí có nhiều lúc bận rộn, tụi em gọi điện, ba mẹ chỉ nói dăm câu ba điều rồi cúp máy. Chán quá nên em thì chơi game, còn chị Hai thì chat. Thời gian tụi em ở quán net còn nhiều hơn nhà và ở trường…”, Long buồn bã cho biết.
“Tôi cứ nghĩ trong mỗi bữa ăn có nhiều thức ăn ngon là được, nào ngờ các con tôi chỉ cần được ăn cùng với ba mẹ. Chúng tôi đã quá vô tâm, chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền mà không quan tâm đến tâm trạng của con. Vợ chồng tôi vừa quyết định nhượng lại nhà hàng cho người khác, về thành phố chăm sóc con. Có nhiều tiền mà con cái hư hỏng thì cũng chẳng hạnh phúc gì”, chị Hân – mẹ của Long tâm sự.
Không chỉ chị Thuần, chị Hân mà rất nhiều phụ huynh khác sau khi đọc được điều ước của con mới giật mình nhìn lại bản thân. Họ cứ ngỡ rằng mình làm như vậy là thương con, hóa ra là… hại con.
“Ở lớp học, chúng tôi có thể giúp các em cai nghiện game online. Nhưng sau khóa học các em có quay lại với game hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình”, bà Kim Liên nhấn mạnh.
Hòa Triều
Bình luận (0)