Ông Thái đang phơi cỏ tranh ở kênh Rạch Bàng, quận 7 |
Đã từ lâu, có không ít người từ các tỉnh miền Tây đến vùng ven TP.HCM hành nghề cắt cỏ tranh. Cái nghề nghe có vẻ lạ lẫm với nhiều người, nhưng nó đã nuôi sống những mảnh đời cơ cực từ hàng chục năm nay.
Đời không như tranh
Hôm ấy, trời mưa to lắm. Ghe ông Thái neo ở kênh Rạch Bàng, quận 7. Ông cùng đứa con trai đang gom mớ tranh khô phơi ở bãi đất trống gần đó. Thấy tôi đến, ông có vẻ rụt rè, chẳng mở miệng nói một câu. Con trai ông trạc 16-17 tuổi gì đó, nước da đen như hắc ín chẳng khác gì cha nó nhưng cũng lanh lợi lắm, liền bước đến hỏi chuyện. Nghe tôi trả lời tìm tư liệu để viết bài, ông Thái mới chịu mở lời bằng câu: “Đợi tui gom xong rồi xuống ghe nói chuyện, mưa tới rồi”.
Ông Thái quê gốc ở Sóc Trăng. Gia đình, người thân đã chết hết trong trận giặc càn vào làng năm 1967. Cái vẻ bề ngoài lam lũ, khắc khổ của ông khiến không ít người bảo ông đã ngoài 65 chứ không phải tuổi 56. Tôi cũng là một trong số những người nghĩ cái tuổi của ông như vậy. Chúng tôi ra ghe phải đi qua chiếc cầu dã chiến bằng gỗ tạp bắt từ bờ đến ghe. Một đoạn cầu dài hơn 5m mà không hề có một trụ nào để đỡ cho cầu khỏi lắc lư. Thấy tôi có vẻ ái ngại, ông Thái bảo: “Cứ mạnh dạn, không té đâu mà sợ”. Tôi không phải là thằng nhát gan, cũng chẳng phải sợ rớt xuống kênh đầy sình lầy nhưng nhiều lần giật thót tim khi chiếc cầu oằn mình như muốn gãy. Đứng yên vị trên ghe tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Ông Thái mời tôi ngồi và dỡ tấm bạt xanh chỉ vào đống cỏ tranh nói: “Đó, cả tuần nay mà chỉ mới có vài bó. Lỡ nhận tiền của người ta giờ phải ráng mà kiếm cho đủ chứ mưa gió thế này cực lắm”. Có nhiều người làm nghề này không? Tôi hỏi. “Nghèo khó như gia đình tui mới đi theo cái nghề này chứ có ai dại gì đi ăn bờ ngủ bụi đâu. Nói đùa chú thế thôi, cũng có một vài người nhưng đều là trong làng của tui cả”, ông Thái trả lời.
Đồ nghề cắt cỏ tranh của cha con ông Thái gồm hai cái liềm, một con dao (có hình dáng giống cái rựa) dùng để phát quang và hòn đá mài đã mòn mỏng dính. Những thứ linh tinh như nồi, niêu, xoong, chảo… chiếm hết một góc ghe. Trời đổ mưa. Tôi đành xin ông một cái hẹn vào sáng sớm hôm sau để cùng theo ghe đi tìm cỏ tranh.
Rút kinh nghiệm ở những lần đi thực tế cho các bài phóng sự, tôi chỉ mặc chiếc quần sọt, áo thun và chiếc máy ảnh. Ra đến nơi, ghe ông Thái đang chuẩn bị xuất bến. Thấy bề ngoài của tôi “phong trần” quá, ông Thái nói câu đầy hàm ý: “Coi bộ chú cũng chịu chơi quá hén. Theo cái nghề này là phải vậy đó. Cuộc đời không như tranh phải không chú?”.
Khắc khoải với nghề
Ghe chúng tôi đi từ Rạch Bàng sang Rạch Đỉa rồi vào tận trong ốc đảo nhìn qua phía bên kia là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Nhiều lần đến khu vực này nhưng hôm nay tôi thật sự thích thú với những tài liệu mà ông Thái có được. Từ những con rạch, chiếc cầu vì sao lại mang tên Rạch Dừa, Rạch Bàng đến ngày tháng xây dựng nó. Chỉ tay về hướng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Thái bảo: “Cách đây 11 năm, khu ấy toàn là đầm lầy rau muống và cỏ tranh. Mỗi ngày vợ chồng tui cắt gần cả tấn cỏ tranh tươi chứ không ít. Phải hồi trước cỏ tranh mắc như bây giờ chắc nhà tui giàu rồi”.
Ghe cập ốc đảo, ông bảo con trai đợi ở ghe để tôi cùng ông đi quan sát. Xung quanh chúng tôi cỏ xanh bạt ngàn, chẳng thấy một bụi tranh nào cả. Càng đi càng thấy nhiều cỏ nhưng ông cứ luôn miệng bảo: “Có mà, cứ đi!”. Lời ông Thái khẳng định là đúng. Trước mặt tôi là một đám cỏ tranh vàng úa, thân cỏ mập ú cao khoảng 1m. Ông liền ngồi bệt xuống đất dẻo nhẹo, tay liềm ông thoăn thoắt chỉ trong chốc lát đã hết sạch cỏ tranh. Tôi làm công đoạn gom tranh chất lại thành đống thay con trai ông. Từ đằng xa, mặc dù gió thổi ngược nhưng tôi vẫn nghe được tiếng ông Thái nói rõ: “Hôm nào cũng có tranh như hôm nay thì khá lắm chú ơi”. Tôi biết lòng ông đang vui sướng và con trai ông ngoài kia cũng đang hồi hộp đợi cha trở lại.
Trở lại ghe, ông Thái đề nghị chèo ghe qua bên kia con rạch để ông đi chợ mua món gì đó đãi khách. Tôi gạt phăng nhưng ông vẫn một mực, đúng là người Nam bộ. Ông Thái kể chuyện đời xưa nghe cũng mùi lắm. Sau khi kết thúc mỗi câu chuyện, ông đều đệm một đôi câu hát, cả những câu vọng cổ để đời. Đang vui, bỗng dưng nét mặt ông chùng xuống. Đưa hai bàn tay ra, ông Thái đếm thầm trong miệng rồi nói: “Mới đây mà cũng 12 năm tôi theo nghề cắt cỏ tranh rồi. Bao nhiêu năm theo nghề là cũng ngần ấy số năm tôi phải ăn bờ ngủ bụi”.
Nói đến chuyện thu nhập, ông Thái cười khanh khách rồi hỏi lại tôi: “Theo chú nghĩ có đủ mua gạo cho 6 cái tàu há mồm không?”. Tôi ậm ừ, ông Thái tiếp: “Tụi tui nhận tiền của người ta, cứ một mét vuông mái lợp từ 70 đến 80 ngàn đồng, tùy chất lượng của tranh. Cất công đi tìm tranh, phơi khô mang về rồi phải bện lại và lợp cho họ. Chú thấy đấy, dầm mưa dãi nắng, coi như bỏ công lấy lời chứ không dư dả gì”.
Trần Tuy An
Bình luận (0)