Tòa soạnThư đi – tin lại

Tôi đi chợ giày “luộc”

Tạp Chí Giáo Dục

Một điểm bán giày “luộc” trên đường Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: T.A

Vì lý do gì đó đôi giày không cánh mà bay, khổ chủ có thể tìm thấy nó ở chợ giày “luộc” Trần Quang Khải và Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TP.HCM.
Cận cảnh chợ giày “luộc”
Đường Trần Quang Khải, Q.1 tuy ngắn nhưng có đến hơn chục điểm bán giày, dép ở vỉa hè. Dân “săn” giày dép hàng hiệu gọi đây là chợ giày “luộc”. Giày thuộc khu chợ đặc biệt này có từ nhiều nguồn khác nhau mà phần lớn là do những tay đánh giày “cuỗm” của khách rồi đem ra đây bán. 9g sáng, chợ tấp nập người mua bán. Nhân, người bán giày “luộc” quảng cáo: “Tuy là giày cũ nhưng giá ở đây không dưới 300 ngàn đồng, từ Doctor đến D&G… đều có”. Tôi chỉ đôi giày hiệu Doctor còn mới cáu hỏi giá, Nhân bảo: “Đôi đó chắc giá một triệu đồng. Giày của đại gia mang đó”. “Sao mắc quá vậy?”, tôi thắc mắc. Nhân liếc mắt nhìn tôi, đáp: “Nhìn giày thì biết rồi, da thứ thiệt chứ có phải dỏm đâu. Thứ này cầm ba triệu đi mua mới không đủ đâu nha”. Viện lý do kiểu cách không hợp, tôi kiếm cớ “chuồn”. Hắn cũng chẳng vừa gì, lời lẽ kiểu dân buôn bán chợ trời nói như tát nước vào mặt tôi. Đã vậy còn không quên gửi kèm những cái nguýt ngắn nguýt dài như muốn xua đuổi.
Bỏ lại sau lưng hàng chục con mắt đang dõi theo mình, tôi cho xe chạy chậm trước một điểm bán giày “luộc” cách đó khoảng 100m. Người đàn ông trung niên ăn mặc cứ như dân hip hop, tóc dài tới vai bước xuống đường xởi lởi: “Coi giày đi em, chỗ anh toàn giày xịn. Mấy tay dân chơi kẹt tiền mang ra bán. Anh bán đúng hàng, đúng giá chứ không như những chỗ khác”. Tôi vừa cho xe lên lề cũng là lúc hai thanh niên đèo nhau trên chiếc Honda 67 tới thắng gấp trước mặt tôi. Người bán giày đon đả: “Có hàng mới hả, nhiều không?”. Người cầm lái trả lời: “Cũng tàm tạm”. Người bán mở bao ni lông màu đen, lấy ra 4 đôi giày da công sở và một đôi giày thể thao hiệu Adidas chính cống. Sau một hồi xem qua giày, ông ta móc hai tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng nhét vào túi áo người ngồi sau. Không nói nửa lời, người cầm lái gạt chân chống xe, bước xuống lấy giày bỏ lại vào bao, buộc miệng. Thấy vậy, người bán đưa thêm 100 ngàn đồng nữa. Người kia lại kỳ kèo: “Chỗ quen biết mà ông làm ăn kiểu này thì mất mối hết, tụi này lui tới thường xuyên chứ có phải một ngày một bữa đâu mà đối xử tệ vậy”. Người bán cười xòa, vỗ vai người thanh niên: “Thôi, chú mày để anh sống với, hôm sau anh bù, mấy ngày nay mưa gió bán chậm lắm”.
Hành trình chuộc giày
Trong vai người đi tìm đôi giày vừa bị “luộc”, tôi và một người bạn tìm đến một hiệu giày trên đường Lê Thị Hồng Gấm, Q.1. Hay chuyện, bà chủ cửa hàng to béo bước đến gần hỏi: “Giày gì, mất hồi nào, ở đâu?”. Như thuộc lòng lời chỉ dẫn của Thắng (người đi cùng), tôi trả lời: “Mất ở Công viên 23-9, mới sáng nay, giày Hồng Anh”. Nghe xong, bà chủ tiếp: “Đánh giày bị mất phải không? Giày Việt Nam mà tìm làm quái gì cho mệt, lại tốn tiền”. “Biết là vậy nhưng đó là đôi giày người thân tặng”, tôi phản ứng. Bà ta dịu giọng nhưng ánh mắt cứ đổ dồn về tôi như dò xét, chỉ vào đống giày ngổn ngang gần cửa ra vào, nói: “Đó, sáng giờ có mấy đôi nằm ở trên, lại kiếm thử có không?”. Thắng vờ hỏi: “Đôi này phải không?”. Tôi gật gù. Cầm đôi giày đến hỏi giá chuộc, bà chủ không do dự, nói ngay: 400 ngàn đồng. Thấy tôi nhăn mặt, thái độ của bà ta coi thường thấy rõ: “Không đồng ý thì thôi, tụi này thu vô bán ra phải có lời chứ”.
Tại đây, có hơn chục thanh niên đang chọn mua giày cũ. Trong số đó có giới nghệ sĩ và dân công chức. Hỏi chuyện một thanh niên, anh ta cho biết mình tên Hoàng, là “môn đồ” của giày “luộc” từ nhiều năm rồi. “Tuy giày cũ nhưng mẫu mã đẹp, có nhiều kiểu dáng để lựa chọn. Hơn nữa giá cả cũng dễ chấp nhận”, Hoàng nói. Các cửa hàng bán giày “luộc” có nhiều chủng loại và mẫu mã, có những loại giày mới của nước ngoài như Calvin Klein, Leij’p, Levi’s… Mỗi đôi giày cũ có giá không dưới 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, phần lớn những đôi giày này có xuất xứ từ Trung Quốc, giá trị thật chỉ khoảng 250 ngàn đồng (mới). Không ít khách hàng bị sập bẫy bởi mẫu mã, màu sắc của nó.
Trước đây, Thắng từng là chủ “cửa hàng” bán giày dép trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3. Nói “cửa hàng” cho oai chứ thật ra chỉ là buôn bán giày “luộc”. Theo Thắng, một đôi giày trị giá trên 500 ngàn đồng khi bị “luộc” bán cho cửa hàng cao lắm chỉ 100 ngàn đồng. Những tay “luộc” giày đa số là dân ken (xì ke – PV), đánh giày… Chính vì thế, người thu mua tha hồ mà ép giá.
Khác với chợ giày “luộc” ở đường Trần Quang Khải, các cửa hàng chuyên mua, bán giày, dép cũ ở phố giày Lê Thị Hồng Gấm (Q.1) thường phân loại giày theo chủng loại, cũ, mới rồi chưng lên kệ. Nhiều hiệu giày được niêm yết giá để tạo cảm giác an tâm cho khách. Bên trong những cửa hàng này còn có một góc sửa chữa giày. “Đối với những đôi giày “luộc” có kiểu dáng, phong cách hơi cổ, chúng tôi “tân trang” thành những đôi giày có phong cách hiện đại hơn, mốt hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, anh Hùng, một thợ sửa giày cho hay.
T.An – L.Hương

Khi bị “luộc” giày, có hai điểm để tìm lại đó là chợ giày Trần Quang Khải và Lê Thị Hồng Gấm. “Liệu xác suất có cao không?”, tôi tò mò. “90% nhưng phải đi liền trong ngày may ra còn kịp”, Thắng khẳng định.

 

Bình luận (0)