Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tôi đi làm thám tử tư: Kỳ 1: Học lý thuyết

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả trong vai thám tử tập sự

Ngày đầu đến học cách sử dụng máy móc, phân tích và xử lý các tình huống giả định. Buổi học kết thúc nhẹ nhàng nhưng nặng nề nhất vẫn là tờ giấy ghi nợ… dụng cụ hành nghề khoảng 20 triệu đồng.
Làm quen với tình huống giả định
Sau gần một tháng rong rủi tìm một chân làm thám tử nhưng vô vọng, tôi có cảm giác mệt mỏi, chán chường dẫu biết rằng đấy chỉ là công việc phục vụ cho bài phóng sự. Từ số điện thoại gửi lại ở trung tâm thám tử tư M.Q (quận 3), 0 giờ chuông điện thoại reo, tôi như người chết đuối với được phao. Đầu dây bên kia, oang oang giọng một người đàn ông đặc sệt miền Tây: “8 giờ sáng mai, tui gặp ông ở quán cà phê Rita nhé”. Hồi hộp đợi chờ, chỉ còn mấy giờ nữa tới giờ hẹn mà sao dài đến thế.
Người tôi gặp hôm ấy là Nguyễn Thanh Phong, trạc ngoài 30 tuổi. Anh ta ít nói, mặt lúc nào cũng lầm lì, nghiêm nghị. Qua trò chuyện, tôi đoán không lầm anh là người đại diện của trung tâm M.Q chứ không phải là một thám tử chuyên nghiệp. Trước khi đi, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần khá vững, kể cả những tình huống xảy ra ngoài dự kiến. Anh Phong đồng ý nhận tôi làm thám tử nhưng về phần nghiệp vụ và thù lao thì tôi phải gặp thám tử Nguyễn Hoàng Phát để rõ hơn. Ra đến khu vực bãi xe, anh Phong không quên hỏi: “Ông có đồ nghề không?”. Hiểu ý anh, tôi lấy trong túi xách ra chiếc máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số nhỏ. Anh Phong lắc đầu, phán: “Thứ này chỉ có vứt, sáng mai đến sẽ có người cấp cho”.
Theo lời giới thiệu của anh Phong, tôi dễ dàng nhận ra người hẹn gặp qua cặp mắt kiếng và bộ dạng của một thám tử chuyên nghiệp thường xuất hiện trong những bộ phim hành động của Mỹ. Anh ta giới thiệu mình từng học dang dở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thấy tướng tá không kém vẻ phong trần của tôi, anh Phát gật gù thòng thêm một câu: “Hy vọng ông có thể hỗ trợ tụi này trong thời gian sớm nhất”.
Thấy tôi mặc quần tây, giày da, anh Phát không ưng và đề nghị bằng mọi cách tôi phải kiếm được chiếc quần kaki có nhiều túi. Tôi lúng túng không biết tìm đâu ra khi mới sáng sớm, anh Phát nói như quát: “Không lẽ chú mày đi làm cứ vác kè kè cái túi đồ nghề sao? Phải mặc quần có nhiều túi để đựng máy móc, có hữu sự gì thì chuồn cho lẹ. Nên nhớ là phải thuộc nằm lòng, túi nào bỏ thuốc lá, túi nào bỏ máy ảnh, ngăn nào bỏ tiền… để đề phòng rút nhầm sẽ lộ”. Nói xong, anh Phát đưa cho tôi 5 simcard và một chiếc điện thoại hiệu Nokia loại rẻ tiền, bảo: “Đây là sim ma, ông cứ liên lạc với tôi hoặc phục vụ công việc bằng những số này, nhớ khi thay số phải báo”.
Tôi làm đúng theo yêu cầu của anh Phát. Cùng tập sự với tôi hôm ấy còn có Ngô Văn Bảo, quê ở Tịnh Biên, An Giang. Bảo cho biết: “Mình có ông anh bà con cũng làm thám tử tư, quen biết và giới thiệu sang bên này”. 31 tuổi nhưng trông bề ngoài Bảo thư sinh lắm, cũng chẳng thấy lanh lợi tí nào cả. Vậy mà khi vào việc, người huấn luyện đưa ra những tình huống giả định, Bảo xử trí tình huống chẳng khác nào một thám tử có thâm niên trong nghề.
“Viết giấy nợ”
Ở một số trung tâm thám tử lớn, đồ nghề của thám tử được trung tâm trang bị đầy đủ với các loại máy móc kỹ thuật số nhỏ gọn, hiện đại. Còn ở các trung tâm nhỏ, khi nhận được hợp đồng thử việc, nếu không có phương tiện hành nghề, thám tử có thể đề nghị trung tâm cung cấp. Tuy nhiên, không thể nói suông là được trang bị mà thám tử phải viết giấy cam kết, hai bên cùng ký tên. Bảo nói đùa: “Chưa biết lương bổng thế nào mà đã cầm giấy ghi nợ”.
Nội dung bản cam kết được người đại diện trung tâm viết, trong đó thể hiện đầy đủ thông tin như ngày, tháng, năm, loại máy, hiệu máy, tình trạng máy… và thám tử đọc kỹ mới ký tên. Mặc dù vậy, theo tôi đó chỉ là hình thức để có phương tiện làm việc. Thật ra, thám tử mới vào nghề chẳng ai dám “chơi bài chuồn” vì thông tin cá nhân của họ trung tâm nắm rất kĩ. Bộ đồ nghề gọi là xài được cũng ngót nghét gần 20 triệu đồng, nhưng theo thám tử Phát, mang trong người đồ nghề này chỉ được cái thêm lo. Thực tế thám tử đã gặp chuyện về đến nhà mới phát hiện dữ liệu thu thập được đã bị mất hết vì máy bị lỗi.
Người mới vào nghề được huấn luyện rất kĩ và chỉ được tham gia các vụ tương đối nhẹ nhàng, đơn giản để có kinh nghiệm. Tố chất của một thám tử trước hết là sự gan lì, nhanh nhạy, hoạt bát và khả năng phán xét, xử lý thông tin thu thập được. Như ngày đầu tập dượt, anh Phát đã căn dặn thám tử tập sự chúng tôi: “Ít nói nhưng nói câu nào phải buộc người ta trả lời câu ấy mới có thể khai thác được. Dù bất kỳ tình huống nào cũng phải điềm tĩnh, hạn chế sự phấn khích, biết có tin vui cũng bình thường, có tin buồn cũng đừng ra vẻ sầu não”. Anh Phát bảo hôm sau tôi phải vào việc ngay vì hợp đồng (giữa trung tâm và ông Tí) có thời hạn chỉ 30 ngày. 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi chính thức vào việc.
Trần Tuy An
Kỳ 2: Chưa biết “phi vụ” đầu tiên của thám tử tập sự thế nào, lại một đêm nữa tôi mất ngủ.
Hợp đồng miệng đã được thỏa thuận, theo đó, chúng tôi chỉ được trả tiền xăng, ăn uống, cà phê, thuốc lá là 150 ngàn đồng/ngày. Ở trung tâm này, chúng tôi làm không lương trong thời gian tập sự. Tuy nhiên, nếu làm tốt vụ đầu tiên, tôi sẽ được trung tâm xét đặc cách, cho hưởng lương như một thám tử tư chuyên nghiệp.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)