Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tôi nghiệm thu cho anh, anh nghiệm thu cho tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học là một hoạt động quan trọng đối với các trường CĐ, ĐH hoặc viện, học viện. Các bài báo khoa học, đề tài khoa học các cấp được hoàn thành, được đánh giá tốt là một trong những chỉ dấu cho thấy sức mạnh nội lực về khả năng nghiên cứu của đội ngũ giảng dạy tại một đơn vị. Và để tạo ra sự khách quan, minh bạch trong quá trình phản biện, các đề tài nghiên cứu phải được nghiệm thu bởi một hội đồng nghiệm thu bao gồm những nhà nghiên cứu trong và ngoài đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự khách quan này dường như ở một số nơi chỉ còn là hình thức được hợp thức hóa rất đúng quy trình. Bởi có một sự đồng thuận ngầm rằng, anh nghiệm thu tốt cho đề tài bên tôi, thì khi qua ngồi phản biện ở hội đồng bên anh, tôi chắc chắn cũng sẽ dễ dàng nghiệm thu kết quả tốt. Được anh, được tôi, được cả chúng ta. Đó chính là lý do mà mỗi lần nghiệm thu đề tài ở một số lĩnh vực, trong hội đồng đều toàn nhận ra người quen. Có năm, các nhà nghiên cứu của các bên gặp nhau đến mấy lần, cứ tuần tự, lần lượt, xong trường anh thì đến trường tôi, rồi lại đến trường của anh kia… Đủ hết tất cả các trường của chúng ta.

Sự cả nể này cũng là tình trạng trong các hội đồng mở ngành học mới. Nếu trường tôi mở được ngành học này, tất nhiên cũng sẽ mời anh là giảng viên thỉnh giảng, không thiệt thòi mất mát đi đâu. Mà anh phản biện không đồng ý, khi lập lại hội đồng mới, anh kia cũng phản biện cho duyệt. Hóa ra anh lại mất đi một cơ hội. Thiệt thòi này, anh tự nhận lấy. Và thế là cuối cùng, dù muốn dù không, dằng dai dùng dằng, ngành mới cũng cứ thế mỗi năm mỗi được duyệt. Đầu ra của sinh viên hay chất lượng của khung chương trình đào tạo từ từ tính sau. Còn đến tận bốn năm để bổ sung, chỉnh lý sao cho chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mà nhu cầu doanh nghiệp thì chúng ta biết rồi đấy, luôn thay đổi xoành xoạch không ngừng nghỉ, có ngồi đấy lo xa cũng không ích gì?!

Tất nhiên, những tình trạng vừa nêu không phải xuất hiện ở hầu hết các trường CĐ, ĐH hay viện, học viện. Nhưng hiện trạng dường như càng ngày càng gia tăng. Phản biện trong trường, phản biện ngoài trường, đánh giá trong, đánh giá ngoài, tiếng là khách quan, hóa ra nhiều khi cũng chẳng thêm phần nào khách quan là bao. Lâu rồi thành lệ quen, lâu rồi thành đường cũ lối mòn, chẳng ai buồn thắc mắc hay kêu ca gì. Mà có thắc mắc, kêu ca thì chắc cũng tựa như câu chuyện một cánh én chẳng làm nên mùa xuân!

Đơn Thun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)