Y tế - Văn hóaThư giãn

Tôi nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế và lạc quan

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch giả Lê Bá Thự vừa sang Ba Lan dự Hội nghị quốc tế lần thứ II những người dịch văn học Ba Lan, ông đã tìm gặp nữ nhà văn nổi tiếng Katarzyna Grochola.

Dịch giả Lê Bá Thự tặng tác giả bản tiếng Việt tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! 

Lê Bá Thự đã dịch tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! của bà và đang dịch phần tiếp theo của thiên tiểu thuyết này có tiêu đề Các người khắc biết tay tôi!.

Theo dịch giả, ông bị bất ngờ vì “tuy đã đầu 5, nhưng nom nhà văn kiều diễm như một minh tinh màn bạc”.

Sau đây là cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà văn và dịch giả.

Dịch giả Lê Bá Thự (LBT): Xin chị cho biết cảm xúc của mình khi hay tin, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! của chị đã được dịch sang tiếng Việt?

KG: Cảm xúc của tôi ư? Vô cùng xúc động, sung sướng tột cùng và bất ngờ thực sự. Tác phẩm của tôi được dịch sang các ngôn ngữ châu Âu thì là chuyện bình thường, nhưng được dịch sang tiếng Việt, đến tay bạn đọc của một đất nước cách Ba Lan trên mười ngàn cây số thì là điều tôi không nghĩ tới, một bất ngờ thực sự.

Cách đây khoảng bốn mươi năm về trước bố tôi đã sang Việt Nam, bây giờ đến lượt sách của tôi. Tôi coi như là hai bố con tôi đã sang đất nước của các bạn.

LBT: Chị có thể nói rõ hơn không?

KG: Số là thế này. Hồi những năm 73 – 74 của thế kỉ trước, bố tôi với tư cách là luật gia, đã sang Việt Nam làm việc trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát Hiệp định Paris. Khi về nước bố tôi khoe với tôi: “Con ơi, Việt Nam là đất nước đẹp nhất  địa cầu”.

Bố tôi mang về rất nhiều tranh ảnh Việt Nam. Hiện tôi vẫn còn giữ bức tượng Phật bố mua cho tôi hồi đó, cả băng cát xét các bài hát Việt Nam nữa. Tôi rất thích giọng kim cao vút của các nữ ca sĩ Việt Nam.

LBT: Người ta bảo, nhân vật Judyta trong Xin cạch đàn ông! chính là chị, nhân vật Tosia chính là con gái chị. Chị nghĩ thế nào? Chị có thể nói thêm một chút về gia cảnh của chị?

KG: Toàn bộ Judyta là tôi, nhưng tôi không hoàn toàn là Judyta. Tosia chính là con gái Dorota của tôi. Năm nay Dorota đã 28 tuổi, có một con trai, đang ở cùng với tôi.

Vườn rộng 2 ngàn mét vuông và ngôi nhà tôi đang ở chính là kết quả của việc người đàn ông của tôi đã ruồng bỏ tôi đi theo một người đàn bà khác, tôi phải sống hoàn toàn tự lập.

LBT: Thưa chị, trong Xin cạch đàn ông! rất nhiều lần Judyta nói “Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc”, tại sao vậy? Câu nói này làm tôi có phần tự ái. Vì tôi là đàn ông.

KG: Anh khỏi tự ái đi. Đàn ông tất nhiên là khác nhau. Judyta bực mình nên nói vậy. Đó chỉ là câu thành ngữ Ba Lan mà thôi.

LBT: Bạn đọc Ba Lan đón nhận Xin cạch đàn ông! của chị ra sao?

KG: Tôi chỉ xin lấy con số để chứng minh. Cho đến giờ phút này, trên một triệu cuốn đã đến tay bạn đọc Ba Lan. Xin lưu ý, Ba Lan chỉ có khoảng 40 triệu dân.

Cả Xin cạch đàn ông! lẫn Các người khắc biết tay tôi! đều đã được dựng thành phim. Riêng Các người khắc biết tay tôi! đã được Đài truyền hình Ba Lan dựng thành phim nhiều tập (năm 2006), 13 tập, do chính tôi viết kịch bản.

Tôi đã xem bộ phim này đến hàng chục lần. Mỗi lần xem là một lần ngạc nhiên. Hàng triệu lượt người đã xem bộ phim này.

LBT: Chị là người của công chúng, chị thường xuyên có những cuộc giao lưu, gặp gỡ, phỏng vấn… vậy chị viết vào lúc nào?

KG: Tôi viết theo cảm hứng, lúc nào có cảm hứng thì tôi viết, bất luận giờ nào. Tuy nhiên tôi thường viết về đêm. Ban ngày phải hầu hạ nào chó, nào mèo, phải sang mấy nhà hàng xóm uống trà, uống cà phê, đàm đạo… mất ối thời gian.

Sau mỗi lần hoàn thành một tác phẩm tôi thường dành thời gian đi khắp Ba Lan, giao lưu, gặp gỡ với bạn đọc.

LBT: Tác phẩm mới nhất của chị là gì? Đã ra mắt bạn đọc chưa?

KG: Tiểu thuyết mới nhất của tôi có tiêu đề: “Thiên thần pha lê”, dày 540 trang, sắp có bán tại các hiệu sách. Tuy chưa phát hành nhưng đã có 100 ngàn cuốn được đặt mua.

LBT: Chị có hài lòng và lạc quan với cuộc sống?

KG: Thực tế ngoài bốn mươi tuổi tôi mới bắt đầu cuộc sống. Chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế và tôi thích mình là người lạc quan.

LBT: Chị đã đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam hay chưa?

KG: Rất tiếc, tôi chưa được đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam.

LBT: Thưa chị, tôi được biết tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam – anh Bảo Ninh, đã được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Ba Lan.

KG: Vậy hả. Thế mà tôi không biết. Tôi ghi lại tên sách, nhất định tôi sẽ tìm mua và đọc.

LBT: Chị có định sang thăm Việt Nam hay không?

KG: Tôi đã đến Thái Lan, nhưng Việt Nam thì chưa. Nhất định tôi sẽ sang Việt Nam, vì bố tôi đã đến đó, bây giờ đến lượt tôi. Tôi mà sang, anh đi dịch và làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi nhé!

LBT: Tôi xin sẵn sàng.

KG: Thật là tuyệt vời. Tôi cũng xin cảm ơn anh đã dịch sách của tôi, hôm nay lại tặng tôi dịch phẩm quý giá và rất đẹp này. Xin anh chuyển lời cảm ơn của tôi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam về việc họ đã xuất bản tiểu thuyết của tôi.

LBT: Một lần nữa xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện rất thân tình hôm nay.

Dịch giả Lê Bá Thự (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)