Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tội phạm tham nhũng: Trong tù vẫn… “đế vương”

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị quy định thêm tội danh về tham nhũng.Tội phạm tham nhũng nhận được nhiều ý kiến “bác” chủ trương bỏ hình phạt tử hình. Ở góc độ khác, các đại biểu “bỏ phiếu thuận” cho rằng, hiệu quả hơn việc tước đoạt mạng sống là truy cho ra, thu cho kiệt số tài sản tham nhũng được.

Góp ý tại hội trường về dự thảo luật Hình sự sửa đổi hôm qua, 14/11, là buổi thảo luận cuối cùng của kỳ họp thứ 4, QH khoá XII trước khi bế mạc.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) đề nghị đưa thêm 4 hành vi khác đã quy định trong Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 vào luật hình sự. Theo đó, các hành vi nhũng nhiễu “vòi” tiền, can thiệp vào quá trình điều tra, truy tố, “chạy” án… sẽ có tội danh quy định cụ thể.

Bà Nga cũng kiến nghị một giải pháp “đột phá”: không xử lý hình sự với hành vi đưa hối lộ.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng nêu quan điểm ngược lại: Đưa hối lộ cũng có 2 loại: một là do bị nhũng nhiễu, đòi hỏi; hai là vì kiếm lợi lớn trong đó. “Ví dụ, không có năng lực, trình độ, nhưng lại muốn có chức, có quyền, muốn có dự án kiếm lời hàng mấy trăm tỷ đồng, thì chạy mất chục tỷ để có lại mấy trăm tỷ. Thế thì làm sao lại phi hình sự hóa được” – ông Vượng sôi nổi.

Về vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội phạm tham nhũng, đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) tán thành với phân tích, việc phải làm là truy lùng, thu hồi nguồn tài sản bất lương, tài sản phạm tội mà có. Ông Hồng cho rằng, xử như vậy “nhẹ” cho thẩm phán và “nhẹ” cho anh em làm công tác hành quyết.

Bà PGĐ Sở Tư pháp thành phố kiến nghị áp dụng hình phạt tù dài hơn 20 năm hoặc chung thân không giảm án. Thực tế, án tù chung thân nhưng có khi chỉ thi hành 15 năm, sau vài lần giảm án. “Trong khi đó, vợ con và bản thân người phạm tội vẫn được tiếp tế từ bên ngoài, sống trong tù cũng hết sức… đế vương” – bà Hồng gay gắt.

Trái ngược với quan điểm bỏ án tử hình vì mục đích nhân đạo, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) lại cho rằng như vậy nhân đạo với một người nhưng lại bất lợi đối với xã hội. “Nhân đạo mù sương” như vậy cũng không chấp nhận được – đại biểu Ngũ ví von.

Với nhóm tội phạm về môi trường, vấn đề cơ sở xử lý lại được đặt lên bàn cân. Đại biểu Lê Thị Nga phân tích, sửa luật để có thể cá thể hóa trách nhiệm hình sự với cá nhân cũng không phù hợp với loại tội phạm này bởi mục đích phạm tội là vì lợi ích của toàn thể pháp nhân. Bà Nga kiến nghị xây dựng cơ chế “quy tội” pháp nhân. Như thế, việc đình chỉ, “đóng cửa” những đơn vị như Vedan sẽ đơn giản, dễ dàng.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng cho rằng quy định như dự thảo luật khó bảo đảm nâng cao hiệu quả phòng chống các loại tội phạm môi trường. Khó quy trách nhiệm những người trực tiếp gây ô nhiễm ở các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh bởi thực tế, đó chỉ là người thực hiện, còn chủ mưu thường là người đứng đầu pháp nhân dù luật đã thiết kế theo hướng quy định phạm tội có tổ chức.

Tuy nhiên, ông Hồng Anh cũng “can gián” ý kiến đưa pháp nhân vào luật hình sự vì như vậy sẽ phải thay đổi cả hệ thống khái niệm tội phạm, lỗi, hành vi, chính sách hình sự… Việc này, theo ông Anh, đòi hỏi phải có thời gian.

P.Thảo (dantri.com.vn)

Bình luận (0)