“Quốc tế cũng có những quy định về điều kiện cân nặng để điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, nhưng cân nặng thế nào cho hợp lý. Tôi sẽ xem xét lại điều kiện cân nặng dưới 40 kg có hợp lý hay không”, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết.
Thưa ông, theo quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà Bộ Y tế vừa quy định thì người điều khiển phải có chiều cao từ 1m45 trở lên và trọng lượng phải hơn 40kg mới được phép thi lấy bằng điều khiển xe máy dung tích xi lanh trên 50m3… Theo ông, quy định này có phù hợp hay không?
Tôi mới chỉ nghe thông tin trên báo chí, chưa nghe văn bản chính thức của Bộ Y tế. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ lại vấn đề này, nhưng tôi cho rằng những tiêu chuẩn này là cần thiết.
Nhưng Bộ Y tế cho biết, trước khi ban hành quy định Bộ này đã tham khảo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải?
Cái này tôi phải xem lại. Đây là tiêu chuẩn do Bộ Y tế chủ trì xây dựng, còn Bộ GTVT chỉ nêu lên một số nguyên tắc, yêu cầu phù hợp với các loại phương tiện như thế nào.
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng quy định người dưới 40 kg không đủ điều kiện lái xe máy có dung tích từ 50 cm3 trở lên và qui định người có chiều cao dưới 1m50 hoặc nặng dưới 40 kg không đủ điều kiện lấy giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1 là không hợp lý vì có thể một người khi lấy bằng nặng 40 kg nhưng sau đó chỉ còn 38, 37 kg?
Nói chung, quốc tế cũng có những quy định về điều kiện cân nặng để điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, nhưng cân nặng thế nào cho hợp lý. Tôi sẽ xem xét lại điều kiện cân nặng dưới 40 kg có hợp lý hay không.
Vậy đối với những người dưới 40 kg đã được cấp bằng lái xe, nay có quy định mới thì liệu họ có bị thu lại bằng lái xe hay không?
Một nghị định ra phải có tuyên truyền, phổ biến rồi mới quy định, sau bao nhiêu thời gian mới xử lý. Bộ GTVT sẽ quy định thời gian để có thể chuyển đổi.
Thưa ông, đã có thống kê nào về việc những người có chiều cao, cân nặng như quy định trên thường xuyên gây ra tai nạn giao thông hay chưa?
Đến bây giờ chưa có một khảo sát và số liệu cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, không phải cứ để gây tai nạn giao thông rồi mới xây dựng tiêu chuẩn như vậy. Theo tôi cũng phải dựa vào các yếu tố kỹ thuật, sức khoẻ để nghiên cứu.
Trong quy định của Bộ Y tế có điều kiện phải khám sức khoẻ, thương tật đối với hệ tiết niệu – sinh dục, suy thận, tim mạch… Liệu những quy định như vậy có khả thi hay không, bởi để chứng minh tất cả các bộ phận này khoẻ mạnh thì phải mất hàng triệu đồng trong khi đại bộ phận dân chúng hầu hết có thu nhập trung bình hoặc thấp?
Tôi cũng chưa đọc kỹ văn bản này nên chưa bình luận nhiều. Nhưng theo tôi việc khám sức khoẻ phải có, vấn đề là quy định thời gian như thế nào cho hợp lý thôi. Bây giờ, hiện tượng nghiện hút, các bệnh khác không đủ điều kiện điều khiển phương tiện khá nhiều và gây ra tai nạn cũng nhiều nên việc khám sức khoẻ định kỳ là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian như thế nào, chi phí ra sao Bộ Y tế phải cân đối.
Bộ GTVT có lấy các tiêu chuẩn trong quyết định này để cấp giấy phép lái xe mới hay không vì theo quy định Bộ GTVT mới là cơ quan có chức năng quy định những điều kiện để cấp GPLX chứ không phải là Bộ Y tế và liệu điều này có dẫn đến sự chồng chéo?
Nếu Bộ Y tế ban hành thì Bộ GTVT phải dựa vào đó mà áp dụng. Cũng không hề có sự chồng chéo vì tiêu chuẩn về sức khoẻ Bộ Y tế phải quy định, Bộ GTVT chỉ góp ý về khía cạnh quản lý kỹ thuật của phương tiện…
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Cường (ghi) _ (dantri.com.vn)
Bình luận (0)