Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tôi theo “tôn giáo” tên “nhạc Trịnh”!

Tạp Chí Giáo Dục

 

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Ảnh: Tư liệu

Ngày ở quê, quê nghèo, lâu lâu tôi mới được nghe nhạc, nghe ké ở nhà hàng xóm, toàn là nghe nhạc “sến” – dòng nhạc mà nhiều người bảo là khóc lóc, lụy tình, nghe xong là… muốn khóc dù trước đó chưa bị thất tình bao giờ!

Lớn lên, đi học xa quê, lên Sài Gòn, uống cà phê ở những quán cà phê trầm trầm, không gian cổ cổ tôi mới được tiếp xúc với nhạc Trịnh và bỗng thích nghe Trịnh đến lạ. Đó là những ca khúc trữ tình, đầy chất triết lý!

Từ ngày nghe Trịnh tôi nhìn thấy nhiều điều mà trước đây mình chưa hề thấy hoặc thấy một cách mù mờ. Lâu nay vẫn biết thân mình là tạm bợ, kiếp sống trần gian vô thường nhưng chưa “thấm” triết lý “ở trọ” cho đến khi nghe Ở trọ của Trịnh: “Con chim ở trọ cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn. Sương kia ở trọ miền xa. Cơn gió ở trọ bao la đất trời. Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”.

Nhận ra kiếp người ở trọ trần gian, giỏi lắm cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày rồi cũng trở thành người thiên cổ: “Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”, nên thôi tôi bắt đầu điều chỉnh lối sống của mình: thong dong hơn một tí, bớt bon chen, nhìn mọi người bằng đôi mắt thương yêu hơn, tha thứ cho lỗi lầm của ai đó… Thương giống nòi bởi ta và người đồng kiếp “ở trọ” như nhau, rồi thì cũng về với… cát bụi. “Nhân vô thập toàn” – từ triết lý “ở trọ” nhận diện thêm triết lý này để thực hành tha thứ, bao dung!

Nghe Trịnh còn là để nhận ra mình chỉ là “cát bụi”: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai vươn hình hài lớn dậy… Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi”. Đến từ “cát bụi” và trở về với “cát bụi” – tôi và bạn cũng thế thì hà cớ chi ta cứ mãi tranh đua, giành giật? Sinh ra và chết đi ta không hề mang gì đến cũng chẳng thể mang thứ gì theo được, chỉ có một điều ta để lại là cái tiếng.

Sống như thế nào với thân “cát bụi” để mai ra đi có người còn nhớ đến mình? Trịnh đau đáu điều đó nên một đời ông sống như con tằm, nặng lòng với từng trang viết, từng bài nhạc, rút ruột nhả tơ để rồi đến hôm nay ta được nghe từng triết lý trong từng tác phẩm. Có lẽ vì thế mà sau 8 năm ngày ông về với “cát bụi” Trịnh vẫn còn đâu đó, hiện hữu trong tâm thức của nhiều người…

 

Hàng nghìn người đã có mặt ở Bình Quới trong đêm nhạc tưởng niệm 7 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn – Ngồi bên hiên nhà

Gã con trai miệt vườn 25 tuổi mường tượng về Trịnh – một nhạc sĩ tài hoa và thong dong vì ông nhận diện được chính bản thân mình và cả vũ trụ này đều nằm trong cái sinh – trụ  – dị – diệt. Quy luật ấy ngàn năm vẫn thế, vẫn đúng. Và chỉ có nhận ra điều ấy thì con người mới thật sự sống hết mình, tỏa sáng cho bản thân và những ai bên mình, biết đến mình được ấm áp. Tình yêu, thân phận và những triết lý nhân sinh khác được Trịnh khắc họa qua những câu chữ mang chất thơ, một thể loại thơ trữ tình rất đỗi giản dị nhưng muốn hiểu phải đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm. Sau khi đã hiểu thì thấy hay thật là hay và không thể không mỉm cười tâm đắc.

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa), đó là một triết lý mà tôi tâm đắc nhất ở Trịnh. Sống trong một cộng đồng xã hội ta cần nhau, sống cho nhau và vì nhau. Con người cũng vậy. Thiên nhiên, cây cỏ, muông thú cũng vậy. Nương tựa để sống, để yêu thương và dưỡng nuôi lòng từ giữa bon chen, bề bộn… Vậy là, giữa thị thành sầm uất của Sài Gòn, gã thanh niên 25 tuổi là tôi đã tìm thấy cho mình một tôn giáo, tôn giáo ấy tên "nhạc Trịnh" để tôn thờ, để trầm mình vào những “giáo lý” mà ông – Trịnh Công Sơn – vị “giáo chủ” tài hoa đã xây dựng nên bằng ngôn từ và bằng trái tim rộng mở, thiên lương của một người nghệ sĩ.

Có lẽ vì nhạc Trịnh đã và đang trở thành “tôn giáo” của nhiều người nên cứ mỗi năm, đến ngày 1-4 người người lại nhớ, lại ca hát, lắng lòng hướng về ông với một lòng thành kính ngưỡng mộ, yêu thương sâu sắc…

TẤN KHÔI (Theo TTO)

Bình luận (0)