Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Tôi từng bị hỏi: Mày đi học làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

"Hồi tôi đi học phổ thông phải đạp xe 20km đến trường. Lúc đó cả thị trấn hỏi tôi: "Mày đi học làm gì?"".

Không đi học vì… tiền
Theo anh thì tại sao mọi người thích đi du học?
Có nhiều lý do để họ  đưa ra quyết định đấy lắm. Nhưng tôi cho rằng, cái quan trọng nhất là người ta muốn được học những cái mới. Bản thân tôi, bạn bè tôi cũng vậy.

Tôi từng bị hỏi: Mày đi học làm gì?

Thường thì người ta ra nước ngoài học vì môi trường tốt hơn, cơ hội kiếm tiền sau khi học nhiều hơn… chứ ít thấy người nói vì nó mới hơn?
Không phải ai cũng đi du học vì tiền! Nếu nói đi du học vì môi trường học tập tốt hơn, học được những kiến thức cao siêu hơn thì không hẳn, vì có thể cùng một kiến thức nhưng với người này là cao siêu, còn người kia lại thấy bình thường. Tôi có một số người bạn từ Pháp, Mỹ sang Việt Nam học. Vì sao? Đó là vì Việt Nam cũng có những điều hay và mới mẻ đối với họ.
Anh nghĩ sao khi rất nhiều trường hợp không đỗ đại học trong nước thì  chọn đi du học, khi họ trở về lại được tiếng là "oai", là "giỏi"?
Tôi cho rằng, một phần là  do xã hội Việt Nam quá chuộng bằng cấp nước ngoài. Người ta đi học là do nhu cầu. Tôi có những người bạn đi du học tự túc nhưng học rất giỏi. Hoặc cũng có người trượt đại học nhưng khi du học thì họ học rất chăm, có học bổng. Đó là chuyện bình thường mà!
Hơn nữa, ở Mỹ có  khoảng 4.000 trường đại học, từ cấp trường rất tốt đến cấp trường rất tệ. Trong khi ở Việt Nam thì số lượng trường đại học có hạn. Rõ ràng sang Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để học hơn và chọn được những trường phù hợp với năng lực.
Ông nông dân ấy làm ra cái máy cày
Tại sao anh về Việt Nam? Sao anh không ở Mỹ vì nhiều người nghĩ rằng ở đó có nhiều cơ hội hơn chứ?
Đơn giản là tôi muốn về với quê hương. Tôi không nghĩ ở Mỹ nhiều cơ hội mà chính Việt Nam mới là nơi cho tôi nhiều cơ hội hơn.
Nhưng rất nhiều người cho rằng nước ngoài có môi trường làm việc, cơ sở  vật chất tốt hơn trong nước, nhất là đối với những người làm công tác nghiên cứu?
Đúng là như thế. Nhưng tôi quan tâm tới việc tôi làm được gì cho quê hương. Việt Nam có điều kiện khó khăn, nhưng nếu làm ra cái gì đó thì khả năng nó được ứng dụng trong xã hội là rất cao, tầm ảnh hưởng đến xã hội sẽ thấy nhanh khi ở Việt Nam chứ không phải ở Mỹ.
Có nghĩa là, một sản phẩm của ông nông dân làm ra ở Việt Nam thì nhanh được biết đến hơn ở Mỹ?
Biết đến ở đây chỉ  là một vấn đề nhỏ. Quan trọng hơn là ông nông dân ấy làm ra cái máy cày thì những người nông dân quanh vùng sẽ sử dụng sản phẩm của  ông ấy.
Về Việt Nam là sướng nhất
Nhưng lao động trí óc  ở các nước tiên tiến sẽ được trả rất cao trong khi đó thì ở Việt Nam trả rất thấp? Anh thấy thế nào?
Tất nhiên là tôi thật sự mong muốn trí thức Việt Nam có điều kiện làm việc tốt hơn. Điều đó tốt cho toàn xã hội và rất cần thiết để Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, đối với từng cá nhân, khi đứng trước một sự lựa chọn nào đó thì buộc họ phải cân nhắc nhiều vấn đề, từ đó họ sẽ chọn cho mình cách đặt vấn đề phù hợp.
Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục, vì nhiều gia đình muốn con học ở nước ngoài rồi làm luôn ở đó để gửi tiền về nhà. Anh có cơ hội đó mà sao anh không ở lại?
Đúng là có nhiều người sau khi du học xong họ không về. Nhưng đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Có những người thích cuộc sống ổn định.
Trước khi trở thành tổng giám đốc Công ty Techburg như hiện nay, anh Nguyễn Thái Hà đi du học ở Mỹ học theo học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam – VEF (quỹ học bổng của Quốc hội Mỹ) chuyên ngành công nghệ thông tin, viễn thông.
Nhưng ở Việt Nam hay Mỹ thì đều có điều đó.
Trong quá trình du học tôi  đã chuyển từ Pháp sang Mỹ nhưng dù đi  đâu tôi cũng luôn nghĩ tôi sẽ về Việt Nam. Thật ra, ở Pháp, Mỹ để có cuộc sống bình thường thì tôi đủ khả năng ấy. Nhưng tôi vẫn về vì ở Việt Nam là sướng nhất với tôi.
Cái gì làm nên sự "sướng nhất" đó của anh?
Thành quả của mình được  ứng dụng trong thực tế, thậm chí là ứng dụng rất nhanh kể từ khi mình tạo ra.
…mười năm sau mới được ứng dụng
Anh nghĩ sao khi giới khoa học trong nước kêu ca nhiều về môi trường làm việc?
Họ có cái đúng. Nhưng xã hội luôn có nhiều khía cạnh. Có  thể các công ty, viện nghiên cứu chưa tạo ra môi trường làm việc tốt nhưng bản thân mỗi người cũng phải biết tự tạo ra cơ hội cho mình.
Nhưng nếu anh ở sẵn trong một môi trường thuận lợi thì anh chỉ cần tập trung làm nghiên cứu?
Đó là môi trường lý tưởng. Nhưng trên thế giới không ở đâu có được môi trường đấy hoặc có cũng rất ít.
Anh nói vậy thì tại sao anh không vào cơ quan nhà nước mà lại ra làm riêng? Phải chăng môi trường làm việc trong cơ quan nhà nước là không tốt?
Bạn nghĩ sao khi làm ra một sản phẩm là kết quả nghiên cứu rồi còn phải chờ được nghiệm thu, rồi có thể phải mất mười năm sau nó mới được ứng dụng? Và  việc nó được ứng dụng ở đâu, khi nào có khi chính tôi cũng không biết. Nghĩa là tôi không chủ động về việc đưa công trình nghiên cứu của mình đi vào thực tế. Đối với tôi thì điều đó là không thể chấp nhận.
Không đi theo xu hướng chung
Anh nghĩ sao khi có ý  kiến cho rằng, ông muốn làm quản lý giỏi thì phải biết đút lót phong bì, biết "bôi trơn"?
Tôi nghĩ không cần và  không hoàn toàn phải làm thế.
Anh nói anh không cần nhưng cả  xã hội đều như thế thì có được không?
Tôi tin là có những cách khác chứ!
Nhưng cách khác lại không nằm trong xu hướng chung của xã hội thì có khó không?
Chả sao cả. Không nhất thiết phải đi theo xu hướng chung. Bởi có cả nghìn cái là xu hướng chung, chả ai theo được cả  nghìn cái cả. Quan trọng là phải biết chọn cái nào, tùy thuộc vào cả lĩnh vực của mình nữa.
"Kiến thức là tương lai"
Người ta vẫn nói, Việt Nam không ít những người học rất giỏi. Anh có nghĩ thế  không?
Tôi thấy đúng thế.
Vậy anh nghĩ sao khi có  câu "Đừng tự hào ta nghèo mà vẫn giỏi, mà hãy hỏi vì sao ta giỏi mà vẫn nghèo"?
Cái này cũng có ý đúng trong đó. Có thể xã hội chúng ta còn thiếu cái gì đó để biến việc học giỏi thành vật chất một cách lành mạnh. Còn thiếu cái gì thì cả xã hội phải tìm ra. Chính tôi cũng đang tự đi tìm lời giải cho bài toán này.
Một trong những nguyên nhân có thể do chúng ta chưa làm tốt việc giáo dục từ bé. Bố mẹ tôi thì đã xác định "kiến thức là tương lai" nên đã đầu tư cho chúng tôi học hành chu đáo. Hồi tôi đi học phổ thông phải đạp xe 20km đến trường. Lúc đó cả thị trấn hỏi tôi: "Mày đi học làm gì?". Họ coi đó là chuyện lạ lắm. Lớp 9 thì tôi xuống Hà Nội học một mình. Cái đó nó rèn nên tính tự lập cho tôi từ sớm.

Theo Bee.net.vn

 

Bình luận (0)