Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tôi ước làm được nhiều hơn thế…

Tạp Chí Giáo Dục

Dải đất miền Trung khốc liệt nắng gió và bão lụt; nơi đây mỗi năm dường như chỉ có hai mùa; mùa nắng như lửa đổ trên đầu, gió Lào ràn rạt khô khốc với bao bụi bặm quất rát mặt người; mùa mưa bão, nhà cửa, ruộng vườn ngập trắng mênh mông. Sống ở miền Trung, năm nào đến mùa bão lụt cũng vậy, vất vả chống chọi với gió, nước tứ bề.
Sau những trận “cuồng nộ” của đất trời, cũng như hàng vạn người dân ở miền đất này, các thầy cô giáo và học trò vùng lũ lại xắn quần cao quá gối tất bật dọn bùn đất, lau chùi bàn ghế và phơi lại số sách vở đã bị nước làm ướt nhẹp. Dù có thời gian gắn bó với Báo Giáo Dục TP.HCM không lâu, nhưng trước đó tôi đã từng làm báo và từng sống với cô trò vùng lũ. Làm báo ở miền Trung, việc viết về bão lụt là không tránh khỏi đối với mỗi người cầm bút. Riêng tôi, cứ mỗi bận bão lũ về lại xông pha tự nhiên như cái số của mình! Có những lần ngồi thuyền nan ngược dòng nước lụt, tiếp cận, đưa tin ở những khu dân cư bị chia cắt, cô lập mới thấy khâm phục hơn tấm gương những nhà giáo suốt một đời lặng lẽ vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai học trò. Ở nơi này, câu cửa miệng “Ba năm nghĩa vụ lại về xuôi” đối với giáo viên tình nguyện lên ngược về xuôi dường như chỉ để nói đùa cho bớt nhọc nhằn. Bởi khi đã gắn bó, họ tình nguyện gắn bó đến một đời thậm chí có cơ hội họ vẫn viết đơn xin ở lại.
Trận lũ tháng 10 năm 2010, tôi về với vùng lũ Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chứng kiến cảnh bạn tôi – là nhà giáo ở vùng trũng cùng học trò và đồng nghiệp nhịn đói suốt ngày để dọn dẹp trường cho kịp ngày học. Trong nhà tập thể, nhiều chiếc ti vi và giáo án vẫn còn treo lủng lẳng trên mái nhà, thực lòng lúc đó tôi ước mình làm được một điều gì đó nhiều hơn thế cho cô trò ở mảnh đất này.
Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)