Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tôm bị áp thuế chống trợ giá

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố phán quyết sơ bộ về mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu của bảy nước đang bị điều tra.
Đối với Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Quí (thành viên Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) và Công ty CP Nha Trang Seafoods nhận mức thuế chống trợ cấp lần lượt là 5,08% và 7,05%. Các nhà sản xuất và xuất khẩu còn lại của Việt Nam được ấn định mức thuế suất sơ bộ 6,07%.
Hết cả lợi nhuận
Sau khi nhận được thông tin trên, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm rất bức xúc, bày tỏ sự lo lắng vì ngành tôm đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu và rào cản kỹ thuật gắt gao ở nhiều thị trường.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Minh Phú – công ty mẹ của Công ty Minh Quí, cho biết Minh Quí mang tiếng là DN xuất khẩu chịu mức thuế chống trợ cấp thấp nhất (5,08%) trong số các DN Việt Nam nhưng mức thiệt hại lại đứng đầu. Lý do là Minh Quí ký hợp đồng xuất khẩu theo hình thức DDP. Nghĩa là bên bán hàng phải thanh toán mọi cước phí vận chuyển và gánh chịu mọi rủi ro cho đến khi hàng hóa được giao cho bên mua, cũng như phải nộp mọi thứ thuế (nếu có) trước khi hàng được giao cho bên mua. Do vậy, nếu thua kiện thì Minh Quí phải chịu tiền thuế này.

Ngành tôm xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu lại phải lo gánh nặng thuế chống trợ cấp. Ảnh: CTV
Theo phân tích của ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thì với mức giá tôm xuất khẩu sang Mỹ hiện tại bình quân hơn 10 USD/kg và mức thuế đa số DN phải chịu là 6,07% thì DN mất 60 cent/kg tôm xuất khẩu. Nếu phải chịu thêm thuế chống bán phá giá khoảng 5% như năm 2012 tương ứng 50 cent/kg thì DN mất hơn 1,1 USD/kg. Trong khi mức lợi nhuận DN thu được chừng 1-2 USD/kg tôm. Cái kiểu “một cổ hai tròng” thuế này thì còn đâu lợi nhuận nữa?
Đại diện một trong 28 DN xuất khẩu tôm còn lại chịu 6,07% thuế chống trợ cấp, ông Phạm Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng đây thực sự là một phán quyết bất công. Dù là DN xuất khẩu theo hình thức CIF (nhà nhập khẩu chịu thuế chống trợ cấp) thì DN cũng phải giảm giá bán hoặc lượng hàng xuất khẩu giảm dần. Bằng chứng là ngay sau khi thông tin trên được công bố, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã giảm lượng tôm nhập từ Sao Ta. Nếu DN này giảm giá xuống thấp thì lợi nhuận không còn bao nhiêu.
Rất cần Chính phủ chung sức
Cần nhắc lại rằng vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam liên quan chủ yếu đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN về vốn vay, lãi suất, thuế… Luật sư Ngô Quang Thụy, người có nhiều kinh nghiệm đại diện cho DN Việt Nam trong các vụ kiện chống phá giá và trợ cấp, cho rằng trách nhiệm của Chính phủ ở vụ kiện chống trợ cấp cao hơn so với vụ kiện chống bán phá giá vì Chính phủ phải tham gia trả lời các câu hỏi của DOC đối với các chương trình trợ cấp mà nguyên đơn cáo buộc.
Vào khoảng đầu tháng 6-2013 phái đoàn của DOC sẽ sang thẩm tra tại chỗ các DN và Chính phủ. Do đó, các DN cần chuẩn bị thật tốt hồ sơ và số liệu để giải trình, chứng minh và phản biện các cáo buộc trợ cấp, cách tính toán trong kết quả sơ bộ chưa chính xác. Hơn nữa, DN cần vận động, kiến nghị Chính phủ cùng tham gia để giải trình và chứng minh các chương trình trợ cấp bị cáo buộc không phải là trợ cấp thật sự. Hoặc nếu kết luận là trợ cấp thì DN cũng tự kiểm tra lại số liệu báo cáo có chính xác chưa để điều chỉnh ngay khi DOC bắt đầu thẩm tra. Luật sư của các DN phải phân tích thật kỹ cách tính của DOC trong phán quyết sơ bộ nhằm tìm ra mọi sai sót hoặc xem DOC có tính nhầm hay không để kịp thời phản biện lại kết quả này.
“Đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ, DN cần bình tĩnh cùng VASEP cung cấp thêm nhiều thông tin có lợi cho đội ngũ luật sư để phản đối lại cáo buộc bất công của DOC. Tìm cách kháng kiện để giữ thị trường Mỹ và tìm thị trường mới là giải pháp chính của các DN lúc này” – đại diện VASEP nói rõ.
Giảm khả năng cạnh tranh
Ngoại trừ Ecuador và Indonesia, các nhà xuất khẩu ở năm quốc gia còn lại gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều bị DOC kết luận có nhận trợ cấp. Trong đó, tôm Trung Quốc chịu mức thuế suất 5,76%; Thái Lan chỉ chịu mức 1,75% và 2,09%; Ấn Độ chịu từ 5,72% đến 6,1%.
Như vậy, thiệt hại trước mắt đối với kết luận sơ bộ này là sức cạnh tranh của tôm Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh. Bởi tôm Việt Nam có mức thuế cao hơn các DN Thái Lan, Ecuador và Indonesia; giá bán hiện cũng cao hơn giá tôm các nước Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia 1-1,5 USD/kg. Thứ hai là kể từ ngày phán quyết sơ bộ có hiệu lực, Hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền ký quỹ thuế, nên các DN Việt Nam xuất khẩu theo hình thức DDP sẽ phải đóng thêm tiền thuế ký quỹ này.
QUANG HUY (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)