Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

‘Tôn ngộ không’ đại náo rừng ngập mặn Long Thành

Tạp Chí Giáo Dục

Lũ khỉ tinh nghịch nhưng cũng là niềm vui của những người giữ rừng giữa mênh mông sông nước- Ảnh: Tiểu Thiên

Lũ khỉ tinh nghịch nhưng cũng là niềm vui của những người giữ rừng giữa mênh mông sông nước- Ảnh: Tiểu Thiên

Đàn khỉ đuôi dài được đưa về nuôi thử nghiệm và nhanh chóng sinh sôi nảy nở, khiến vùng rừng ngập mặn Long Thành tĩnh lặng trở nên náo nhiệt…

Từ bến cảng xã Phước An, H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) chúng tôi lên chiếc ghe nhỏ len lỏi giữa những bạt ngàn rừng sú, đước xanh um tùm đến Trạm bảo vệ rừng Rừng Giống (xã Phước An) nơi đàn khỉ đuôi dài (tên khoa học là Macaca fascicularis, thuộc loài bản địa Đông Nam Á) đang sinh sống. Trưởng phòng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hồ Đình Sơn (56 tuổi) cho biết năm 2007, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đề xuất phục hồi loài khỉ ở rừng ngập mặn và được một doanh nghiệp tặng 15 con khỉ đuôi dài. Ba năm sau, Chi cục kiểm lâm TP.HCM tặng thêm 13 con. Bước đầu nuôi thử nghiệm, đàn khỉ thích nghi rất tốt với môi trường rừng ngập mặn và sinh sôi nảy nở rất nhanh. Trạm bảo vệ rừng Rừng Giống được giao trọng trách nuôi dưỡng đàn khỉ này. Ban đầu, đàn khỉ được nuôi nhốt và cho ăn cơm, ngô, rau cỏ, hoa quả… Sau một năm được thả ra môi trường tự nhiên. 

Hiện Ban QLRPH Long Thành quản lý vùng rừng ngập mặn rộng hơn 7.000 ha và được phân làm 7 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm có từ 2 – 3 cán bộ. Mỗi tháng, họ chỉ được vào bờ 1 – 2 lần để về thăm gia đình, còn hầu hết thời gian phải ở trên trạm, bám rừng đi tuần tra.
Ông Đàm Văn Đắc – Trạm trưởng trạm Rừng Giống cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ đàn khỉ chỉ ở quanh khu vực trạm Rừng Giống. Ai dè chúng lập đàn phân tán đi khắp nơi, bơi qua sông sang tận các trạm khác nghịch phá, kiếm ăn. Hiện đàn khỉ đã phân tán tới địa bàn 4 trạm bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành gồm: Cây Cò, Rừng Giống, Vạn Phước và Cây Tràm”.
Phá như… khỉ
Trong lúc ngồi chờ đàn khỉ kéo về, ông Đắc “kể tội” đám hầu vương. “Bọn khỉ này nghịch ngợm, phá phách dữ lắm khi thì leo lên mái căn nhà cũ của trạm, hò nhau xúm vào giật mái tôn và nhún nhảy khiến mái nhà kêu rầm rầm. Ăng ten tivi, tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà đều bị lũ khỉ lật ngược lật xuôi, bẻ gãy. Hễ có nấu nướng gì cũng phải dè chừng, sơ hở tí là lũ khỉ cuỗm mất”, ông Đắc nói.
Ngồi bên cạnh, một cán bộ bảo vệ rừng kể xen vào: “Có hôm, tôi đang nấu ăn trong bếp thì một con khỉ lẻn vô chụp lấy bịch trứng vịt bỏ chạy. Khi đuổi theo thì nó tót lên cây ngồi nhe răng cười. Hôm khác vừa phơi chiếc quần đùi ngoài dây, ngoảnh lại thì thấy khỉ mẹ tha lên tận ngọn cây cao tít cho khỉ con nghịch. Khỉ con chui đầu vào ống quần kẹt không lôi ra được. Tôi phải leo lên ngọn cây gỡ cho nó, vừa chụp được chiếc quần thì khỉ con rơi xuống, phía dưới đàn khỉ xúm lại đỡ khỉ con rồi bồng bế nhau bỏ chạy”.
“Có người mới lĩnh lương bỏ tiền vô túi áo rồi sơ ý treo áo trên ghế. Thế là con khỉ nghịch ngợm chụp cái áo chạy thẳng vô rừng rồi treo tít trên ngọn cây. Báo hại tụi tôi phải huy động cả trạm đi tìm ròng rã suốt 2 ngày trong rừng mới tìm ra”, ông Đắc kể tội.
“Nói xấu” đàn khỉ là thế nhưng mọi người ở đây ai cũng yêu quý và thích thú với những trò quái của chúng. “Nghịch phá nhiều lúc mình cũng nóng máu nhưng sống giữa sông nước vắng vẻ, hàng ngày cho chăm lo, cho ăn rồi ngồi xem chúng nghịch phá, làm trò thấy cũng vui vui, hết cô đơn ngay”, ông Đắc chia sẻ.
Đợi đến cuối giờ chiều, đàn khỉ lũ lượt kéo nhau từ trong rừng đi ra, ông Đắc liền bưng cả thau ngô hạt ra chia cho chúng. Đàn khỉ nhanh chóng vây quanh ông như lũ trẻ được người lớn phát quà. Đàn khỉ về mỗi lúc một nhiều, nhẩm đếm sơ qua ông Đắc thông báo: “Có khoảng 40 con, trong đó có nhiều con đang mang bầu. Đàn khỉ đẻ ra rồi phân tán thành nhiều đàn khắp rừng nên chúng tôi cũng không thể biết chính xác được số lượng hiện nay là bao nhiêu. Người dân ở đây hầu hết đi làm công nhân, một số ít làm nghề thủy sản, đánh bắt cua, cá. Lực lượng bảo vệ rừng cũng tuần tra và phối hợp với chính quyền xã giám sát chặt chẽ nên đàn khỉ được bảo đảm an toàn tuyệt đối”, ông Đắc nói.
Sau khi đánh chén no say, đàn khỉ bắt đầu leo lên nóc nhà, cây cối quanh trạm để nghịch phá và làm trò. Trời chuyển tối hẳn, đàn khỉ cũng rời mái nhà chuyển sang từng ngọn cây tìm chỗ ngủ và dần mất hút trong những vạt rừng ngập mặn mênh mông.

Tiểu Thiên/ TNO

 

Bình luận (0)