Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tổn thất lớn tài nguyên khoáng sản

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. UBTVQH cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và cho ý kiến về báo cáo này.

Chính phủ quyết định việc giãn thuế

Liên quan đến thẩm quyền quyết định việc gia hạn nộp thuế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTC-NS) đề nghị quy định theo hướng: trường hợp gia hạn thuế mang tính điều chỉnh chính sách, áp dụng trên diện rộng thì giao UBTVQH xem xét, quyết định. Thường trực UBTC-NS cũng đề nghị luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn thay vì để đến ngày 1-1-2014 như đề xuất của cơ quan soạn thảo nhằm có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện thi hành. Cho ý kiến về thẩm quyền quyết định gia hạn nộp thuế, đa số ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình tiếp tục giao cho Chính phủ, vì đây được coi là giải pháp điều hành để tháo gỡ khó khăn tức thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, không làm giảm nguồn thu mà số thu chỉ bị chậm lại trong một khoảng thời gian nhất định. UBTVQH nhất trí thời điểm luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã tập trung cho ý kiến về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế (trong trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, cơ quan thuế sẽ thực hiện phân loại. Những đối tượng rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Cơ quan quản lý không kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế mà chỉ chọn một số trường hợp để kiểm tra. Nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, việc kiểm tra đối với các trường hợp rủi ro cao là cần thiết.

Tuy nhiên, không nên quy định kiểm tra tất cả các hồ sơ hoàn thuế như đề nghị của cơ quan thẩm tra vì việc này không thực sự cần thiết, đồng thời làm phát sinh một khối lượng công việc rất lớn cho đội ngũ cán bộ thuế. Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xây dựng pháp luật về thuế phải cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế, người thu thuế; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế. Công tác kiểm tra hoàn thuế chỉ nên làm theo xác suất chứ không nên thực hiện đại trà.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Báo cáo với UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Đơn cử như quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò là khó khả thi, các quy định về thuế tài nguyên và cấp các loại giấy phép cũng có nhiều điểm bất hợp lý… “Thuế suất thuế tài nguyên được quy định trong khoảng rộng (than 4% -20%, dầu thô 4% – 40%, đất hiếm 12% – 25%, kim loại 7% – 25%, phi kim 3% – 15%…) tuy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều hành, quản lý thuế dễ điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn nhưng mặt khác dễ dẫn đến việc áp dụng có lúc có nơi còn tùy tiện”, ông Dũng nhận định.

Trong khi đó, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều tồn tại. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu, làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Chỉ trong 3 năm, từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm. Tổn thất tài nguyên khoáng sản được nhìn nhận là rất lớn, tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô qua biên giới ồ ạt vẫn diễn ra…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn: “Phần phân tích tác động môi trường, tác động xã hội của báo cáo còn mờ nhạt. Thực tế so với báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xin cấp phép như thế nào? Môi trường rừng, nguồn nước bị ảnh hưởng ra sao? Một đặc điểm nữa của khai thác, vận chuyển khoáng sản là phá hủy cơ sở hạ tầng rất ghê gớm. Đường sá hỏng, cầu gãy… ai chịu trách nhiệm sửa chữa?”.

Ông Ksor Phước đặc biệt bức xúc về nạn “quặng tặc” ngang nhiên khai thác nhiều loại khoáng sản trong khi cơ quan nhà nước không làm hết trách nhiệm. Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đồng tình: “Báo cáo có vẻ “bình yên” quá, trong khi tình hình vi phạm pháp luật là khá nghiêm trọng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặc biệt lưu tâm đến yêu cầu rà soát hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản ở các địa phương. Đề nghị đoàn giám sát đánh giá hiệu quả của chủ trương phân cấp cho các địa phương trong hoạt động quản lý khoáng sản, có sơ hở không; việc chấp hành có đúng thẩm quyền được giao không, cần chấn chỉnh thế nào… Những văn bản nào ở các địa phương không phù hợp quy định của pháp luật, cần phải sửa ngay.

Anh Thư (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)