Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tôn trọng quyền tự chủ của con

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ nên khơi dậy niềm hứng thú của trẻ (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: I.T

Quyền tự chủ là quyền con người được làm việc độc lập và được phép đưa ra quyết định của mình. Trẻ con cũng có quyền tự chủ như người lớn, thể hiện ở chỗ trẻ có thể tự do lựa chọn và biểu đạt hành vi của mình trong khuôn khổ chuẩn mực cho phép.

Có không ít bậc cha mẹ cho rằng mình đã sinh ra con thì có quyền can thiệp mọi hoạt động trong cuộc sống của trẻ và trẻ còn nhỏ, chưa hiểu hết vấn đề nên không thể đòi hỏi quyền tự chủ. Thực tế, trẻ tuy nhỏ nhưng cũng là một cá thể độc lập, cũng có quyền thể hiện quan điểm của mình. Điều đó có nghĩa là trẻ có quyền quyết định muốn làm gì và làm như thế nào, cha mẹ nên tôn trọng và đồng hành với trẻ.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy một số trẻ tuy tuổi còn nhỏ nhưng ý thức tự chủ, tự giác rất cao. Buổi sáng, trẻ có thể tự thức dậy đúng giờ, tự đi học, tự đến trường, tan học tự về nhà, tự tranh thủ thời gian làm bài tập và sưu tầm thêm kiến thức để bổ sung cho bản thân mà không cần cha mẹ phải đôn đốc, nhắc nhở.

Có hai biểu hiện cha mẹ chưa tôn trọng quyền tự chủ của trẻ mà vô tình hay chủ ý không ít đấng sinh thành đã không để ý đến. Đó là, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể chi phối quá nhiều theo ý của người lớn, đặc biệt cha mẹ bao bọc con quá nhiều, làm mọi việc thay chúng. Điều này đã khiến trẻ khó phát triển chủ kiến của mình, sống phụ thuộc, lớn lên thành người thụ động, khiếm khuyết khả năng chống lại những thách thức cuộc đời. Ngoài ra, không ít bậc phụ huynh coi con mình là niềm hy vọng, muốn thông qua chúng để thực hiện những ước muốn mà trước đây mình chưa thực hiện được hoặc mong con mình trở thành người xuất chúng, thỏa mãn lòng ham vinh danh của mình. Vậy là ngay từ khi nhỏ trẻ đã bị nhồi nhét đủ mọi kiến thức vào đầu, cha mẹ đặt bao kế hoạch, dự định bắt con phải nỗ lực đạt được. Trẻ đã trở thành công cụ để cha mẹ đạt được ước muốn, trẻ hầu như không có một chút quyền tự chủ nào. Hệ quả mà trẻ nhận được đó chính là sự phát triển nhân cách thiếu toàn diện.

Muốn tôn trọng quyền tự chủ của trẻ, cha mẹ cần có những tác động phù hợp:

Cha mẹ tôn trọng chính kiến của trẻ: Trước hết, cha mẹ cần có hình thành một không khí dân chủ, bình đẳng trong gia đình, làm bạn và ghi nhận ý kiến của con đúng lúc, luôn tạo điều kiện phát huy tiềm năng của con.

Khơi dậy niềm hứng thú của trẻ. Thái độ sống tích cực, lạc quan sẽ có được khi trẻ có lòng hứng thú với công việc. Trẻ thực sự tự chủ khi chúng có hứng thú trong lĩnh vực mà bản thân sẽ thực hiện.     

Bồi dưỡng năng lực tự chủ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. “Uốn cây từ thuở còn non”, giáo dục trẻ cũng thế, những phẩm chất nhân cách được hình thành khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp chúng có những thói quen bền vững.

Cho trẻ được phát triển tự nhiên. Quá trình trẻ phát triển và hoàn thiện là một tiến trình tự nhiên về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Trong giáo dục trẻ, cha mẹ phải thật sự nắm vững những quy luật phát triển đó. Nếu bắt buộc trẻ học quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của trẻ. Cách làm giáo dục thiếu khoa học và phiến diện này đã làm tăng thêm áp lực và kìm hãm sự phát triển tâm lý của trẻ.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)