Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Tôn vinh sản phẩm và văn hoá Trà Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam năm 2011 đã chính thức khai mạc tối 12/11 tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.  

Đến dự lễ khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Khánh; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh trong cả nước; đại diện Đại sứ quán 28 quốc gia cùng hơn 30 tổ chức quốc tế.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện tôn vinh sản phẩm trà và văn hóa trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng được tổ chức. Cây chè và các sản phẩm trà không những có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Khai mạc Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam năm 2011
Với điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh chè, nhất là ở các địa bàn miền núi, trung du, cây chè ở nước ta đã phát triển ở 34 tỉnh, thành phố trên diện tích 130.000 ha, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, ổn định và phát triển kinh tế xã hội.
Sản phẩm trà của nước ta ngày càng đa dạng với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2010, xuất khẩu chè cũng đã lên tới trên 135.000 tấn, đạt gần 200 triệu USD, đưa Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu….
Ngoài sự tham gia của nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng trong cả nước, Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam năm 2011 còn thu hút sự tham gia của 6 đoàn văn hóa trà của nhiều nơi có truyền thống trồng và chế biến trà trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để Thái Nguyên tôn vinh đặc sản trà Thái Nguyên nói riêng, thương hiệu trà Việt Nam nói chung tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên – Việt Nam năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành chè Việt Nam đã đạt được và sự nỗ lực phấn đấu của các Bộ ngành chức năng, các địa phương trồng chè, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo của hàng triệu nông dân, lao động – những người trực tiếp trồng, chế biến và kinh doanh chè Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ: Tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh chè của nước ta còn rất rộng lớn. Tuy nhiên, ngành chè nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cùng với những hạn chế yếu kém cần khắc phục, nổi lên là việc áp dụng kỹ thuật tiến tiến trong sản xuất và chế biến chè còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có nhiều thương hiệu trà nổi tiếng; đời sống của nhiều người trồng chè còn không ít khó khăn.
Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Thái Nguyên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức Liên hoan Trà quốc tế với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh cây chè, các sản phẩm trà; tôn vinh người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển ngành chè Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm một gian hàng giới thiệu trà
Liên hoan Trà còn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà chế biến, xuất nhập khẩu, người tiêu dùng, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh và phương hướng phát triển cây chè và sản phẩm trà Việt Nam; tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu trà Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương dựa trên quy hoạch để phát triển ngành chè gắn với áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất; cơ cấu lại giống chè phù hợp với từng vùng và thị trường, phấn đấu đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 1 triệu tấn/năm; tập trung đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Cùng với phát triển các loại trà đặc sản truyền thống, các làng nghề gắn với du lịch, tôn vinh các nghệ nhân, các danh trà, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người làm chè. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ngành chè; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương có sản phẩm chè tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt, phấn đấu trong vòng 5 năm tới giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá bình quân thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 2 – 3 lần so với hiện nay, đồng thời tiếp tục quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đối với các vùng trồng chè tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho ngành chè, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa….
Liên hoan sẽ diễn ra đến ngày 15/11./.

Theo Thanh Chung
(VOV)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)