Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, về đồng tiền gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, đã tạo nên một làn sóng cảm xúc từ học sinh đến những nhà nghiên cứu. Xét về phương diện kỹ thuật, bài văn không thuộc loại quá xuất sắc nhưng vì sao nó lại tạo một hiệu ứng mạnh mẽ?
Đơn giản là vì nó quá chân thành, là những gì thuộc về đời thường nên nó đi vào trái tim người đọc.
Nếu bài văn này ở vào thời điểm 10-15 năm trước, chưa hẳn nó gây tiếng vang như bây giờ. Bởi những bài văn đong đầy cảm xúc chân thành; viết từ những suy nghĩ chân tình, giản dị như thế này không hiếm vào lúc bấy giờ. Học sinh hiểu rằng học văn là biết cảm nhận cái hay, cái đẹp và diễn đạt nó bằng chính cảm nhận thật của mình chứ không của ai khác. Thầy giáo lên lớp cũng nhiệt tình truyền cảm xúc bằng những nghiên cứu “rút ruột rút gan” để học sinh lắng nghe như uống lấy từng lời. Đến khi những bài văn mẫu ra đời, đề kiểm tra không cảm xúc, bài làm là những bài thuộc lòng thì bắt đầu một giai đoạn hiếm có những bài văn được viết từ trái tim. Vì lẽ đó từ một đề văn hay và một bài viết cảm xúc chân thành của thầy trò Trường Hà Nội – Amsterdam cũng đủ sức tạo nên một hiện tượng.
Cảm xúc thật luôn dễ dàng gây hiệu ứng tốt và tạo động lực phấn đấu ở người tiếp nhận. Từ bài văn của Hiếu, bao nhiêu học trò và phụ huynh đã thức tỉnh, nhìn lại cách cư xử của mình với những người xung quanh.
Phát biểu chân thành, đơn giản, giàu hình ảnh, gây cảm xúc mạnh mẽ là điều thường thấy ở những người của công chúng.
Mới đây nhất, khi Steve Jobs – đồng sáng lập hãng máy tính Apple, qua đời, người ta đã truyền cho nhau bài phát biểu của ông trước hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Stanford (Mỹ) năm 2005. Những câu nói không đao to búa lớn, những suy nghĩ chân tình từ cuộc đời, công việc, cuộc sống và tình yêu của ông đã gợi biết bao suy nghĩ và động lực không chỉ cho sinh viên của trường ĐH danh tiếng này. Khoảng chục câu nói có thể được ghi nhớ từ bài phát biểu ấy. “Thời gian của bạn là có giới hạn nên đừng phí phạm sống bằng cuộc đời của người khác” là một trong số đó.
Bà Drew Gilpin Faust, nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Harvard, đã có bài diễn văn nhậm chức gây ấn tượng mạnh mẽ vào năm 2007 khi đề cập đến vai trò, trách nhiệm, chức năng của trường ĐH. Nói đơn giản, bà cho rằng: “Một trường ĐH hoạt động không vì những kết quả sắp tới, cũng không vì việc sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành người nào. Nó hoạt động vì những kiến thức sẽ định hình một đời người, những kiến thức truyền tải di sản của nhiều thiên niên kỷ, những kiến thức quyết định tương lai”.
Những năm gần đây, nhiều người đã truyền cho nhau bài phát biểu chưa đầy 30 giây của Brian G.Dyson, cựu CEO của Coca-Cola, về những ví von rất đời thường và gần gũi. Ông cho rằng cuộc sống giống như trò chơi tung hứng với 5 quả bóng: công việc, gia đình, sức khỏe, bè bạn và tinh thần. Công việc như quả bóng cao su dẫu có rơi nó vẫn tự bật lên. Những quả bóng còn lại cần được nâng niu hơn vì chúng bằng thủy tinh, chỉ cần lỡ tay là có thể bị trầy xước, tì vết, sứt mẻ, thậm chí có thể tan thành trăm mảnh vụn.
Rõ ràng, những gì thuộc về trái tim sẽ đến với trái tim. Cảm xúc thật, sự chân thành luôn được trân trọng.
Theo Thùy Ngân
(ThanhNien)
Bình luận (0)