Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Tôn vinh sự nghiệp “trồng người”

Tạp Chí Giáo Dục

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy.

1. Cha ông ta đã đúc kết “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy giáo, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú để mỗi người chúng ta có nhân cách phát triển, có năng lực và phẩm chất giúp ích cho xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo, Người nói: “Người thầy giáo tốt – xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất…”. Người căn dặn “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

Để thực hiện điều đó, biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ cho sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

2. Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như thầy Chu Văn An (1292-1370). Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn; tiếp đó là các bậc thầy cao quý Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy, cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.

3. Làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành giáo dục đang phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là tham gia tích cực sự nghiệp “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”.

Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua như: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”… đã được xã hội hưởng ứng, nâng cao vị thế của ngành giáo dục.

Hiện nay, nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt để tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước, do đó sự nghiệp giáo dục – đào tạo càng trở nên quan trọng. Trước những yêu cầu nhiệm vụ của ngành giáo dục đòi hỏi vai trò của người thầy càng có ý nghĩa; sứ mệnh, nhiệm vụ của những nhà giáo hơn lúc nào hết rất nặng nề và người thầy cần phải tạo dựng cho mình những phẩm chất và năng lực nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục – đào tạo nói riêng.

Để làm tốt điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, năng lực, thể hiện được “tấm gương sáng” của mình để học sinh sinh viên noi theo.

ThS. Nguyn Thanh Hoàng
(Ban Tuyên giáo Thành y Cn Thơ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)