Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tổng bí thư hội kiến Tổng thống Mỹ: cuộc gặp lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Thúc đẩy hơn nữa niềm tin chiến lược là thông điệp lớn nhất của cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng sáng 7-7 (giờ Washington DC).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa trái) và Tổng thống Barack Obama hội kiến tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa trái) và Tổng thống Barack Obama hội kiến tại Nhà Trắng – Ảnh: Reuters

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói “cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung được” cuộc gặp mà ông gọi là “rất thú vị” giữa Tổng thống Mỹ với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc gặp là lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai nước – một mốc đánh dấu sự thừa nhận của Mỹ đối với hệ thống chính trị của Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. 

Cả hai nhà lãnh đạo Việt, Mỹ đều nói cuộc gặp của họ là thẳng thắn và cởi mở. Cả hai đều thừa nhận những khác biệt về “tư duy chính trị và hệ thống chính trị giữa hai nước”.

Nhưng mặt khác, cả hai đều nhìn nhận những phát triển vượt bậc về quan hệ trong vài năm qua về cả kinh tế, an ninh chính trị, hợp tác quốc phòng, giáo dục khoa học…

“Chỉ trong hai năm vừa rồi, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc,” Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh. Cả hai nhà lãnh đạo đều lên tiếng ủng hộ mạnh đối với hiệp định TPP.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc hai nước cựu thù giờ trở thành bạn và đối tác toàn diện là nhờ “tầm nhìn chiến lược” và sự cố gắng của lãnh đạo và nhân dân hai nước cũng như là vì phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Tổng bí thư khẳng định mối quan hệ này, trong đó có quan hệ quốc phòng-an ninh, trong tương lai sẽ còn “phát triển tốt hơn nữa".

Cùng lúc, cả tổng thống Mỹ và Tổng bí thư đều bày bày tỏ lo ngại về tình hình biển Đông, nơi Trung Quốc đã có một loạt hành động gây hấn cũng như lấn đất với quy mô vô cùng lớn trong thời gian qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng “trên biển Đông có những việc làm trái pháp luật quốc tế, trái với những thỏa thuận của các nước trong khu vực".

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người cùng tham dự cuộc gặp tại Nhà Trắng, tại buổi chiêu đãi vào buổi trưa đánh giá “các đối tác như Việt Nam đang ngày càng có ảnh hưởng hơn bao giờ hết” khi mà Mỹ đang hướng về châu Á.

Ông Biden nói hiệp định TPP dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới.  

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken viết trên trang web Bộ ngoại giao Mỹ ca ngợi Mỹ và Việt Nam “mở một chương mới trong lịch sử” với chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Khi chúng ta chào đón Tổng bí Thư Trọng tuần này, chúng ta gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới: các cựu thù quyết liệt của nhau vẫn có thể trở thành bạn, gây dựng hòa bình, và giờ chúng ta xây dựng mối quan hệ đối tác mà sẽ thúc đẩy ổn định và thịnh vượng” – ông viết.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama 

Tổng thống Obama: Như các bạn đã nghe, tôi vừa nhận được lời mời tới thăm Việt Nam. Tôi nghĩ đây là chỉ dấu cho tiến bộ vượt bậc trong quan hệ hai nước trong suốt 20 năm qua.

Tôi muốn chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới phòng Bầu Dục trong chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ nhân kỉ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ – Việt Nam.

Đương nhiên, đã có một lịch sử khó khăn giữa hai nước chúng ta trong thế kỉ 20. Và vẫn tiếp tục có những khác biệt đáng kể về tư duy chính trị và hệ thống chính trị giữa hai nước. Nhưng, tôi nghĩ, bởi vì nỗ lực của lãnh đạo của cả hai đảng ở Mỹ, cũng như lãnh đạo Việt Nam trong các năm qua, chúng ta thấy mối quan hệ mang tính xây dựng ngày càng nổi lên, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, có lợi cho nhân dân cả hai nước.

Chỉ trong hai năm vừa rồi, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc về làm sâu sắc hơn hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, biến đổi khí hậu, y tế cũng như an ninh. Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta thúc đẩy sâu hơn nữa các trao đổi về tầm nhìn cho mối quan hệ đối tác toàn diện.

Chúng tôi đã trao đổi về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiềm năng to lớn của hiệp định thương mại chất lượng cao này sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn về lao động, nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và có thể tạo ra tăng trưởng việc làm đáng kể và thịnh vượng cho cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.

Chúng tôi thảo luận tầm quan trọng của việc giải quyết các mâu thuẫn trên biển Đông và ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, để đảm bảo rằng thịnh vượng và tự do hàng hải được tiếp tục trong nhiều thập kỉ tới.

Chúng tôi thảo luận về việc tiếp tục các trao đổi giữa nhân dân với nhân dân. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói, chúng tôi có nhiều người Mỹ gốc Việt và Việt Kiều ở đây hơn bất cứ nước nào trên thế giới và họ có những đóng góp to lớn cho nước Mỹ. Chúng ta muốn tiếp tục thúc đẩy sâu các trao đổi đó, trong đó có việc sớm mở ĐH Fulbright vừa mới được phê chuẩn.

Chúng tôi cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc hợp tác trên các vấn đề toàn cầu, cụ thể là về biến đổi khí hậu có thể có ảnh hưởng nặng nề tới cả hai nước; vấn đề về y tế toàn cầu, giải quyết nguy cơ của các nạn dịch; vấn đề gìn giữ hòa bình. Trong tất cả các lĩnh vực này, VN tiếp tục là đối tác rất mang tính xây dựng.

Vẫn còn những khác biệt trong mối quan hệ song phương và chúng tôi đã thảo luận thẳng thắn các khác biệt xung quanh. Nhưng tôi tin rằng các trao đổi ngoại giao và các bước đi thiết thực mà chúng ta tiến hành cùng nhau sẽ có lợi cho cả hai nước, rằng những căng thẳng này có thể giải quyết hiệu quả không chỉ thông qua song phương mà đồng thời thông qua hợp tác ở các tổ chức đa phương như ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, chúng ta có thể tạo ra các tiến bộ vượt bực.

Một lần nữa chúng tôi muốn cám ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì chuyến thăm này. Tôi hi vọng ông đã thấy được sự nồng ấm và mến khách mà người Mỹ đối với người Việt Nam. Tôi rất mong chờ tới thăm đất nước tươi đẹp của các bạn một dịp nào đó vào tương lai.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Xin cảm ơn ngài Tổng thống. Thưa quý vị và các bạn. Có lẽ cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung được rằng hôm nay tại phòng bầu dục Nhà Trắng của Hoa Kỳ lại có cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Giống như ngài Tổng thống vừa nói, chúng tôi vừa có một cuộc trao đổi ý kiến với nhau rất thân mật, thẳng thắn, xây dựng, chân tình.

Điều quan trọng là từ hai nước cựu thù với nhau, ngày nay đã trở thành bạn, trở thành đối tác mà hơn thế là đối tác toàn diện. Sắp tới trong tương lai còn phát triển tốt hơn nữa. Điều đó là nhờ tầm nhìn chiến lược, nhờ sự cố gắng của các nhà lãnh đạo hai nước, đồng thời cũng là có sự ủng hộ rất to lớn của nhân dân vì quan hệ hai nước chúng ta phù hợp với lợi ích của nhân dân và cũng phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay. Đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng nhau thịnh vượng.

Đúng như ngài Tổng thống vừa nói, trong lịch sử quan hệ hai nước chúng ta cũng có những chương buồn, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, hai nước chúng ta đã xây dựng được quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện như hiện nay.

Tôi cũng vừa nói với ngài tổng thống là quá khứ không ai có thể thay đổi được nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta.

Trên cơ sở nhìn lại toàn diện quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua, nhất là 20 năm gần đây, chúng tôi và ngài Tổng thống cũng đã trao đổi sâu rộng, khá toàn diện hướng sắp tới chúng ta phải phát triển quan hệ tốt đẹp hơn nữa, tới một chất lượng tốt hơn, làm sâu sắc hơn mối quan hệ toàn diện.

Hai chúng tôi đều thống nhất sắp tới sẽ cố gắng phát triển mối quan hệ toàn diện, kể cả về chính trị ngoại giao, kinh tế đầu tư thương mại, khoa học giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh, y tế môi trường. Giữ gìn thành công, đối phó tốt với biến đổi khí hậu trên thế giới và phối hợp tốt với nhau trên các lĩnh vực đa phương trong đó có cả mối quan hệ về quốc phòng, an ninh.

Với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, chúng tôi cũng trao đổi về những vấn đề hiện nay còn vướng mắc như là phải tiếp tục sớm đàm phán và kết thúc được hiệp định TPP, vấn đề nhân quyền, rồi vấn đề trên biển Đông có những việc làm trái pháp luật của quốc tế, trái với những thỏa thuận của các nước trong khu vực. Bày tỏ quan ngại với những tình hình diễn biến mới gần đây trên biển Đông.

Tôi đã trân trọng mời ngài Tổng thống và phu nhân sớm sang thăm Việt Nam và ngài Tổng thống cũng đã vui vẻ nhận lời.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống và chính quyền Hoa Kỳ mời tôi sang Hoa Kỳ, đất nước rất là tươi đẹp và chúng ta đã có cuộc trao đổi sâu sắc và thú vị. Cũng cho tôi gửi lời hỏi thăm đến cộng đồng bà con Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ và chúc cho quan hệ hai nước chúng ta ngày càng phát triển tốt hơn nữa.

Hẹn sớm được gặp ngài!

Theo Thanh Tuấn (Từ Washington DC)/ TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)