- 1 Tổng Bí thư Tô Lâm truyền tải những thông điệp sâu sắc về định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2045 là trở thành một quốc gia phát triển với thu nhập cao. Để hiện thực hóa tham vọng này, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và phát triển TP.HCM theo quy mô và tầm vóc ngang Thượng Hải là một chiến lược quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Ngày 21-4, trong buổi gặp gỡ các cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài phát biểu kéo dài gần một giờ, truyền tải những thông điệp sâu sắc về định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sắp xếp lại bộ máy hành chính: bước đi chiến lược
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã chia sẻ những nội dung quan trọng liên quan đến tình hình hiện tại và các chiến lược phát triển quốc gia trong tương lai, đặc biệt là việc sáp nhập các tỉnh và kiện toàn bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ông khẳng định, đây là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tối ưu hóa nguồn lực và xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. Đồng thời, đây cũng là một phần trong quá trình chuẩn bị để Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế – chính trị toàn cầu, mở ra cơ hội hình thành các trung tâm phát triển mới có khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực.
Theo Tổng Bí thư, để đạt được thống nhất về chủ trương này, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã tiến hành đánh giá toàn diện và xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan. Dự kiến, sau quá trình sắp xếp, số lượng tỉnh ở khu vực phía Nam (từ Bình Thuận trở vào, bao gồm cả Lâm Đồng và Đắk Nông) sẽ giảm từ 22 xuống còn 9.
Ông nhấn mạnh: “Không gian phát triển mới phải có sự đa dạng về địa hình, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là tận dụng tối đa lợi thế biển để kết nối các vùng đồng bằng, miền núi và hải đảo. Điều này sẽ tạo sự cộng hưởng và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của từng địa phương. Một số tỉnh sẽ có cơ hội trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hình thành các trung tâm kinh tế động lực mới cho đất nước”.
Tổng Bí thư dẫn chứng việc so sánh với Thượng Hải (Trung Quốc) để minh họa cho quy mô mới của TP.HCM sau khi sáp nhập. Ông nói: “Trí tuệ nhân tạo đã đưa ra một ví dụ rằng quy mô TP.HCM mới sẽ tương đương Thượng Hải. Với tầm vóc đó, chúng ta phải đặt ra khát vọng phát triển tương xứng”.
Ông cũng chỉ ra rằng việc sáp nhập không phải chỉ là phép cộng đơn thuần, mà là sự kết hợp tạo nên sức mạnh mới. Các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long… sau khi hợp nhất sẽ tạo thành hai tỉnh lớn với tiềm lực mạnh mẽ, có thể đóng vai trò “kiềng ba chân” vững chắc trong tiến trình phát triển. Các tỉnh mới như Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Lâm Đồng, Gia Lai… cũng sẽ có cơ hội mở rộng không gian và nâng tầm phát triển.
Mục tiêu năm 2045: Việt Nam là quốc gia thu nhập cao, với mức thu nhập bình quân trên 20.000 USD/người
Về định hướng chung, Tổng Bí thư khẳng định ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới là giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, coi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững. “Chúng ta càng thấm thía giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Việc giữ gìn an ninh, trật tự trong nước và khu vực là nhiệm vụ trọng tâm”, ông nói.
Song song với đó, việc tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh, bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả, và phục vụ nhân dân cũng là yếu tố quan trọng. Đảng cũng sẽ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Một trụ cột quan trọng khác mà Tổng Bí thư đề cập là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích dân tộc. Đảng kiên định đẩy lùi xung đột và nguy cơ chiến tranh khỏi lãnh thổ, tạo ra môi trường sống hòa bình cho nhân dân.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Theo chiến lược dài hạn từ năm 1945-2045, Việt Nam phải trở thành quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao. “Nếu không duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm, chúng ta sẽ khó hoàn thành mục tiêu này. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới khoảng 5.000 USD, trong khi mục tiêu là đạt 20.000 USD trong 20 năm tới. Thời gian không cho phép nữa, chúng ta phải tập trung cao độ”, Tổng Bí thư khẳng định.
Ông cũng chia sẻ về nhiệm vụ trước mắt của các cấp cần chuẩn bị tốt cho đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư cho biết, tại văn kiện Đại hội XIV của Đảng cũng sẽ xác lập mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế quốc dân, hướng đến xây dựng một nền giáo dục quốc dân hiện đại.
“Năm 2045, chúng ta cần có một lớp thanh niên đủ bản lĩnh, tư duy, tri thức và sức khỏe để tiếp tục xây dựng đất nước. Các cháu sinh năm nay, đến khi đó cũng sẽ 20 tuổi. Nếu không thay đổi từ bây giờ, 20 năm sau chúng ta vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Thủy Phạm
Bình luận (0)