Tổng chủ biên SGK môn công nghệ Chương trình GDPT 2018 cho rằng giáo viên TP.HCM có thuận lợi triển khai giáo dục STEM song sĩ số lớp học đông, tâm lý giáo viên dao động với nhiều cách hiểu là những hạn chế khi triển khai.
TP.HCM còn nhiều khó khăn khi triển khai giáo dục STEM
Trong hội thảo “Giáo dục STEM trong Chương trình GDPT 2018” tại Ngày hội STEM do UBND TP.Thủ Đức tổ chức mới đây, PGS. Bùi Văn Hồng (Tổng chủ biên SGK môn công nghệ Chương trình GDPT 2018) chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 thể hiện rõ giáo dục STEM trong chương trình tổng thể là thuận lợi để giáo viên triển khai giáo dục STEM khi tổ chức chương trình.
Cụ thể, chương trình mới với quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; Chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; Ưu tiên sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động, tiềm năng mỗi học sinh.
“Giáo dục STEM được hiểu là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn. Chương trình mới phù hợp để tích hợp giáo dục STEM, thúc đẩy phát triển giáo dục STEM. Giáo dục STEM cũng giúp triển khai thành công Chương trình GDPT 2018, có thể được tổ chức theo hình thức trong môn học, ngoài môn học” – PGS.TS Bùi Văn Hồng nói.
Tổng chủ biên SGK công nghệ Chương trình GDPT 2018 nhìn nhận, hiện TP.HCM có nhiều rào cản khi triển khai giáo dục STEM đó là giáo viên TP.HCM vẫn còn ít thông tin về mối liên hệ giữa Chương trình GDPT 2018 với giáo dục STEM; chưa phân biệt được dạy học chủ đề (bài học) STEM với dạy học chủ đề (bài học) của môn học theo định hướng giáo dục STEM. Đặc biệt, tâm lý giáo viên còn lo lắng, dao động khi có nhiều cách hiểu khác nhau về giáo dục STEM, sĩ số lớp học đông…
“Để đưa giáo dục STEM trở thành phương thức “quen tay” với giáo viên trong năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM cần nhanh chóng trang bị cho giáo viên kiến thức về giáo dục STEM, giúp giáo viên tìm hiểu chương trình GDPT 2018 và mối liên hệ giữa chương trình GDPT 2018 với giáo dục STEM. Hướng dẫn và khuyến khích giáo viên đưa các chủ đề (bài học) STEM vào dạy học bộ môn và dạy học chủ đề (bài học) của môn học theo định hướng giáo dục STEM. Đồng thời hỗ trợ các trường tạo sân chơi nghiên cứu, khám phá khoa học cho học sinh…” – PGS-TS Bùi Văn Hồng nêu rõ.
Tham gia vào ngày hội, học sinh, giáo viên được trải nghiệm hoạt động STEM thú vị như điều khiển robot, sáng chế mô hình, thí nghiệm khoa học, tham quan những dự án giáo dục STEM.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức đánh giá, qua ngày hội, học sinh được tiếp cận gần hơn với các dự án STEM, trải nghiệm các hoạt động khoa học, kỹ thuật, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và phát triển bản thân. Đây cũng là sân chơi để các trường học trên địa bàn thành phố có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả.
Yến Hoa
Bình luận (0)