Người tham gia giao thông phải tuyệt đối chấp hành điều cấm mà biển đã báo
|
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang tiến hành rà soát, kiểm tra, điều chỉnh lại hệ thống các biển báo hiệu trên đường bộ. Đặc biệt, tập trung vào các biển báo tải trọng và biển báo tốc độ.
Các nguyên tắc cắm biển báo
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các khu quản lý đường bộ và sở GTVT các địa phương tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh các biển quy định về tải trọng cầu; vị trí cắm biển thông tin tốc độ; biển thông báo bắt đầu khu đông dân cư và khu hết dân cư; biển tốc độ tối đa cho phép và hết hạn chế tốc độ tối đa. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra một số nguyên tắc cho công tác rà soát điều chỉnh các biển báo hiệu đường bộ. Các loại cầu mới xây dựng, được thiết kế với tải trọng H30-XB80, HL93 (là cấp tải trọng được thiết kế lớn nhất hiện nay có thể thỏa mãn tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ) hoặc cấp tương đương thì không được cắm biển tải trọng. Các cầu khác, tùy theo kết quả kiểm định mà cắm biển hạn chế tải trọng cho phù hợp. Đối với các biển báo hiệu khu đông dân cư, chỉ cắm được biển báo hiệu ở những nơi thật sự đông dân cư sinh sống, nơi có thể gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của các phương tiện giao thông. Tuyệt đối, không được cắm các biển này theo vị trí quy hoạch địa giới hành chính của các thành phố, thị xã, thị trấn mà ở đó dân cư còn thưa thớt. Đối với mỗi khu đông dân cư phải cắm một biển “Bắt đầu khu đông dân cư” và một biển “Hết khu đông dân cư” để người tham gia giao thông có đầy đủ thông tin. Đối với biển báo thông tin về tốc độ, là một loại biển không có trong Điều lệ báo hiệu đường bộ 22 TCN 237-01, không được lạm dụng cắm tràn lan, chỉ cắm ở những vị trí thật sự cần thiết với khoảng cách từ 30-50km. Đối với biển quy định tốc độ tối đa cho phép, chỉ cắm ở những nơi thật sự nguy hiểm như: đoạn đường cong liên tục, đèo dốc, điểm đen cần phải hạn chế tốc độ liên tục 24/24h.
Giá trị tốc độ tối đa cho phép và khoảng cách cắm biển tương ứng phải phù hợp và đủ dài để các phương tiện có khả năng điều chỉnh tốc độ theo quy định của biển báo. Sau khi hết yêu cầu về hạn chế tốc độ, phải cắm biển “Hết hạn chế tốc độ tối đa”. Những trường hợp khác có thể thay thế bằng biển “Đi chậm”, biển “Nguy hiểm khác” hoặc các biển cảnh báo phù hợp…
Tháo bỏ những biển báo không phù hợp
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tất cả các biển báo hạn chế tải trọng cầu do nhà thầu thi công lắp đặt theo hồ sơ thiết kế đã được gỡ bỏ và không còn biển hạn chế tải trọng cầu. Tuyến quốc lộ 1A, cũng đã được rà soát và gỡ bỏ một số biển tại các cầu mới. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn các biển hạn chế tải trọng cầu tại các cầu yếu, cũ bắt buộc phải hạn chế tải trọng lưu thông. Sau khi có phản ánh của lái xe và từ sự chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc điều chỉnh, di chuyển các biển báo khu đông dân cư đúng với thực tế, không cắm theo quy hoạch, Khu quản lý đường bộ IV đã ngay lập tức di chuyển, điều chỉnh toàn bộ các biển báo này phù hợp với thực tế. Các biển hạn chế tốc độ trong các khu đô thị cũng được gỡ bỏ hoàn toàn. Do đó, khi phương tiện tham gia giao thông vào đường trong đô thị thì nghiễm nhiên phải chấp hành quy định tốc độ của đường đô thị là 40 km/h.
Đến nay, trên toàn tuyến quốc lộ 2, các biển báo hạn chế tải trọng cầu đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, các tuyến đường khác, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 70 nhiều cầu cũ, cầu yếu vẫn phải cân nhắc duy trì vì năng lực về tải trọng không cho phép. Về việc điều chỉnh biển báo tốc độ và điều chỉnh vị trí biển báo khu đông dân cư, trong thời gian tới Khu quản lý đường bộ II sẽ làm việc với các ban ATGT địa phương cùng các lực lượng tuần tra kiểm soát tiến hành rà soát và đi đến thống nhất trước khi có những điều chỉnh nhằm đảm bảo sự hợp lý, thuận tiện cho người tham gia giao thông mà vẫn bảo đảm được ATGT. Trong văn bản vừa gửi các khu quản lý đường bộ và sở GTVT các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu, trên các tuyến đường, cầu xây dựng mới được thiết kế theo tải trọng H30-XB80 hoặc HL93 hoặc các cấp tải trọng tương đương vẫn cắm biển “Hạn chế trọng lượng xe” phải được lập tức dỡ bỏ.
Bài, ảnh: N.H
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Mai Văn Đức cho biết, hiện nay những biển báo loại này vẫn còn khá nhiều trên các tuyến đường do địa phương quản lý. Vì thế, muốn thực hiện triệt để, rất cần sự nỗ lực và phối hợp giữa khu quản lý đường bộ và sở GTVT các địa phương.
|
Bình luận (0)