Xung quanh việc Tổng công ty Du lịch Sài gòn (Saigontourist) quyết định triển khai mua khách sạn ở Mỹ, chiều 25-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Thọ – tổng giám đốc – cho biết:
Nếu mọi chuyện thuận lợi, đến cuối năm 2009 Saigontourist sẽ kết thúc thương vụ mua khách sạn ở Mỹ. Khách sạn này nằm trên đường North Point khu Fisherman’s Wharf, một trung tâm du lịch hàng đầu của TP San Francisco (bang California). Hầu hết các khách sạn có thương hiệu lớn trên thế giới như Intercontinental, Hilton, Sheraton, Hyatt, Marriot… đều nằm tập trung trên con đường này.
Theo quy định của Mỹ, việc mua khách sạn phải thông qua một công ty độc lập (ở đây là Công ty luật Baker & McKenzie). Ban đầu chủ cũ của khách sạn này đồng ý bán với giá 55 triệu USD, nhưng trong quá trình đàm phán đã hạ dần xuống và nay chỉ còn 44 triệu USD. Ngoài khách sạn này, Công ty luật Baker & McKenzie cũng giới thiệu với chúng tôi những khách sạn thuộc loại hàng đầu ở các thành phố lớn của Mỹ, nhưng luật Mỹ chỉ cho phép Saigontourist tìm hiểu và không được tham gia đàm phán mua cùng lúc nhiều khách sạn.
Khi đã đàm phán xong giá mua, một công ty độc lập sẽ kiểm tra giám sát chất lượng của khách sạn này, nếu có gì trục trặc thì người bán phải có trách nhiệm hoàn thiện trước khi giao cho Saigontourist. Sau đó tiền mua khách sạn sẽ được chuyển cho công ty thứ ba rồi mới chuyển cho người bán.
Đây là lần đầu tiên Saigontourist đi mua khách sạn ở ngoài VN, vì vậy nếu mọi kế hoạch ổn thỏa, chúng tôi sẽ triển khai tiếp việc mua khách sạn ở Tokyo (Nhật Bản), Berlin (Đức), Hong Kong (Trung Quốc) và Matxcơva (Nga). Hiện nay một đoàn chuyên gia của Saigontourist đang ở Tokyo tìm hiểu một số khách sạn tiềm năng nhằm xúc tiến mua một khách sạn ngay tại thủ đô Nhật Bản trong thời gian tới.
Một trong những tiêu chí mua khách sạn ở nước ngoài của Saigontourist là phải có trên 200 phòng, ở khu vực trung tâm nhất của TP và ít nhất ở hạng 3 sao quốc tế.
* Mục tiêu lớn nhất khi Saigontourist đầu tư mua khách sạn ở Mỹ có phải đơn thuần là kinh doanh?
– Việc sở hữu khách sạn ở nước ngoài sẽ làm tăng doanh thu và tạo một quy trình khép kín trong toàn hệ thống của Saigontourist, điều này cũng sẽ tác động rất lớn đến lòng tin du khách Mỹ. Cô luật sư người Mỹ tham gia quá trình đàm phán mua khách sạn này nói như vậy trong vòng vài tháng nữa cô có thể ăn cơm VN ngay tại khách sạn do VN làm chủ trên nước Mỹ. Điều này sẽ giúp nâng cao hình ảnh, văn hóa, ẩm thực… VN ngay tại Mỹ.
Ngoài ra, khi đoàn doanh nghiệp VN sang Mỹ tổ chức các buổi họp, thuyết trình, giới thiệu tiềm năng đầu tư, thương mại, du lịch VN… tại một khách sạn của VN trên đất Mỹ sẽ thuyết phục và nâng cao vị thế VN lên nhiều. Đặc biệt, việc đầu tư thành công sẽ giúp thương hiệu Saigontourist trở thành thương hiệu quốc tế có mặt ở nhiều quốc gia.
* Saigontourist sẽ trực tiếp quản lý các khách sạn này hay thuê các đơn vị khác?
– Do thị trường còn mới và luật pháp cũng chưa nắm vững nên chúng tôi sẽ bàn lại điều kiện quản lý để họ tiếp tục quản lý với sự giám sát của Saigontourist như một ông chủ của khách sạn này. Sau đó sẽ vươn lên từng bước quản lý hệ thống khách sạn của VN khi có điều kiện, cũng có thể đưa người sang quản lý hoặc thuê người. Mục đích cuối cùng là đưa thương hiệu Saigontourist trở thành chuỗi thương hiệu toàn cầu với tiêu chuẩn quốc tế.
LÊ NAM thực hiện
Hợp tác quảng bá du lịch
Saigontourist, nhóm Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times group) và các hãng hàng không Vietnam Airlines, United Airlines, Eva Air, Air France vừa ký kết chương trình hợp tác quảng bá du lịch VN. Theo đó, các thông tin về dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng… trong hệ thống của Saigontourist sẽ được cập nhật trên các ấn phẩm của nhóm Thời báo kinh tế Sài gòn và được các hãng hàng không Vietnam Airlines, United Airlines, Eva Air, Air France cung cấp trên các chuyến bay quốc tế, nội địa.
Theo TTO
Bình luận (0)