CEO Mai Kiều Liên chia sẻ về hành trình trở thành “Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững nhất toàn cầu” của Vinamilk và phác họa những bước đi hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Những bước đi đầu tiên khi phát triển bền vững còn là khái niệm mơ hồ
Trong gần 50 năm cống hiến, với hơn 30 năm ở vai trò Tổng Giám đốc Vinamilk, chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào chất lượng sản phẩm và chuỗi sản xuất bền vững đã được bà Mai Kiều Liên đặt nền móng ngay từ những ngày đầu.
Sau gần nửa thế kỷ, từ xuất phát điểm gần như bằng 0, Vinamilk đã trở thành biểu tượng hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD và thuộc Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững nhất toàn cầu. Điều thú vị, theo chia sẻ của bà Liên, nhiều thực hành phát triển bền vững (PTBV) được Vinamilk triển khai từ rất sớm, khi khái niệm này còn mơ hồ và chưa được phổ biến như hiện nay.
“Khi Vinamilk bắt đầu thực hiện những dự án dài hơi về PTBV, khái niệm này còn chưa phổ biến như hiện nay. Lúc đó, người ta nói nhiều về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng cho dù là khái niệm nào, thì cũng đều xuất phát từ triết lý chung là hướng về cộng đồng với những cam kết dài hạn. Đến nay, chúng tôi có những chương trình hướng đến PTBV đã thực hiện 10 năm, 20 năm”, CEO Vinamilk chia sẻ.
Cụ thể hơn, bà Liên nhắc tới các chương trình gắn liền với thương hiệu Vinamilk như: Sữa Học Đường (2007 – nay); Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam ra đời từ năm 2008 và đã trao tặng hơn 42 triệu ly sữa đến hơn nửa triệu trẻ em trên cả nước; hay Quỹ 1 Triệu Cây Xanh cho Việt Nam (2012-2020) trồng hơn 1,1 triệu cây xanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Vinamilk được đánh giá là đi đầu về E-S-G (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp) và là doanh nghiệp hiếm hoi đã công bố báo cáo PTBV tách bạch với báo cáo thường niên, được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm toán độc lập từ 12 năm trước.
“Nhìn lại hành trình PTBV từ những ngày đầu cho đến hôm nay, chúng tôi nhận thấy mình đã quyết định đúng đắn và đã có những bước đi chiến lược từ rất sớm”, CEO Mai Kiều Liên nhận định.
Cùng người dân phát triển chuỗi giá trị bền vững
Từ những năm 90, Vinamilk thực hiện cuộc “cách mạng trắng”, hợp tác cùng nông dân phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thú y và ký hợp đồng bao tiêu với giá cả cạnh tranh.
“Điều này đảm bảo người nông dân có thu nhập ổn định, yên tâm chăn nuôi và đầu tư phát triển đàn bò sữa. Đó là điều quan trọng nhất để phát triển và giúp Vinamilk dần dần xây dựng vùng nguyên liệu sữa trong nước”, bà Liên chia sẻ.
Khi nhu cầu tiêu thụ sữa tăng cao, năm 2007, Vinamilk phát triển trang trại bò sữa đầu tiên tại Tuyên Quang, tiếp đó, xây dựng thêm nhiều mô hình trang trại hiện đại, xanh và bền vững. Bên cạnh việc đáp ứng nguồn nguyên liệu sữa chất lượng, các trang trại này cũng là “hạt nhân” phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương, xây dựng kinh tế vùng lân cận.
Tại đây, người nông dân là một “mắt xích” không thể thiếu để hình thành chuỗi giá trị bền vững. Vinamilk khuyến khích nông dân trồng ngô, cỏ để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò và hỗ trợ phân bón hữu cơ từ đàn gia súc cho bà con xung quanh trang trại. Đồng thời hướng dẫn canh tác, kỹ thuật trồng trọt, bao tiêu đầu ra… giúp nâng cao năng suất cây trồng và ổn định thu nhập.
“Nguyên tắc của Vinamilk 48 năm qua là tất cả hoạt động sản xuất – kinh doanh đều phải mang lại giá trị cho cộng đồng, cho những người xung quanh, đối tác và cho cán bộ – nhân viên. Kinh doanh sẽ có lúc này, lúc khác, còn phát triển bền vững là trách nhiệm với cộng đồng. Cái gì là cần thiết, phục vụ được cho xã hội, con người thì Vinamilk sẽ làm”, bà Mai Kiều Liên khẳng định. |
“Từ thời điểm bắt đầu, hành trình bền vững của Vinamilk đã hướng đến cộng đồng, được những người nông dân truyền động lực để phát triển. Do đó, hiện tại hay hàng chục năm nữa, chúng tôi sẽ hỗ trợ, cùng người dân phát triển chuỗi giá trị bền vững thêm vững mạnh hơn”, vị CEO đúc kết.
Chinh phục thử thách mới – Net Zero
Năm 2023, Vinamilk công bố chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 (Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050) hưởng ứng mục tiêu chung của Chính phủ. Chưa đầy một năm sau, hiện Vinamilk đã có 3 đơn vị đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS2060:2014 và cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam đạt được kết quả này.
Bà Mai Kiều Liên thừa nhận rằng Net Zero là một khái niệm mới mẻ, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với ngành sữa toàn cầu. Tuy nhiên, “nữ tướng ngành sữa” tự tin rằng sự bền bỉ sẽ giúp Vinamilk chinh phục thách thức mới này.
“Kinh doanh có thể có lúc này, lúc khác. Nhưng PTBV không thể ngày một ngày hai mà cần sự cam kết dài hạn và quyết tâm của doanh nghiệp để thực hiện, đặc biệt khi đối diện với các giai đoạn thách thức hay các quyết định có tính đánh đổi”, bà Liên nói.
PV
Bình luận (0)