Sự kiện giáo dụcTin tức

Tổng kết năm học 2008-2009: Chất lượng giáo dục đã làm hài lòng người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học nhạc tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1)

Năm học 2008-2009, ngành GD-ĐT TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Bộ GD-ĐT tặng cờ đơn vị xuất sắc. Nhưng trên hết, ngành GD-ĐT TP đã làm hài lòng người dân…
Tăng cả số lượng và chất lượng
Năm học qua, toàn ngành đã tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các đơn vị đã chủ động, tích cực đề ra các biện pháp đa dạng, phong phú tập trung vào công tác quản lý, hoạt động dạy và học, tăng cường công tác dân chủ hóa trường học. Kết quả, tỉ lệ học sinh (HS) bỏ học ở các cấp học đều giảm, tỉ lệ HS khá và giỏi tăng cao, tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT tiếp tục được nâng cao. Các bậc học mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học (TrH)… đều được Bộ GD-ĐT cấp bằng khen xuất sắc.
Ở bậc học MN, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhiều trường học mới đã được xây dựng. Theo đó, tổng số trường MN trong năm học này là 659, tăng 42 trường so với năm ngoái. Bên cạnh đó, các cơ sở GDMN ngoài công lập cũng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng với 838 nhóm, lớp – tăng 108 nhóm. Tỉ lệ trẻ đến trường tiếp tục tăng, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 95,6%. “GDMN đã giải quyết được những trường lớp có cơ sở vật chất yếu kém, xóa trắng cán bộ – giáo viên chưa qua đào tạo. Đặc biệt đã giải quyết được chế độ phụ trội cho giáo viên”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN cho biết.
Ở bậc TH, nhằm giảm tỉ lệ HS bỏ học, Sở GD-ĐT đã duy trì các loại hình trường lớp chính qui, không chính qui huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Kết quả, tỉ lệ HS nghỉ, bỏ học chỉ còn 0,04%, trong khi năm học trước là 0,07%. Năm học qua, từ những điển hình như Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đến Trường An Phú (H. Củ Chi) đã phát triển rộng khắp trên 24/24 quận huyện. Theo đó không còn tình trạng dạy học quá tải, thi cử nặng nề, HS mang vác quá sức khi đi học.
Trong năm học qua, GDTrH tiếp tục là niềm tự hào của ngành, là nơi tổ chức thi cử nghiêm túc, tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT đạt 94,71% (năm học trước 93,28%), trong đó HS tốt nghiệp khá, giỏi đạt 21,66%.
Tiến độ xây dựng trường lớp còn chậm
“Mặc dù thành phố và các quận, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên vẫn còn một số trường cơ sở vật chất còn hạn chế, sĩ số HS/ lớp vẫn còn đông, tiến độ phát triển 2 buổi/ ngày còn chậm, thậm chí có nơi còn thiếu chỗ học. Điều đó cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng của các ngành học…”, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố TS. Huỳnh Công Minh tâm tư.
Thực tế như vậy, ở một số quận, huyện có cả chục trường cứ phải nằm trên giấy hoài. Thầy Nguyễn Minh Châu – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh bức xúc: “Thành phố nói là ưu tiên xây dựng trường học, thế nhưng dù việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đã xong, đất đã có mà vẫn không thấy vốn đâu…”.
Hậu quả của hàng loạt ngôi trường trên giấy là: “Trường không ra trường, lớp không ra lớp. Nhiều trường không có sân chơi, thậm chí quận đầu tư cho một dàn máy tính cũng không dám nhận. Vì nhận rồi không biết lấy đâu ra phòng mà đặt máy. Sáu năm nay, Q.8 mới chỉ xây được 1 trường”, thầy Triệu Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 ngao ngán nói.
May mắn hơn Q.8, mỗi năm học Q.11 cố gắng xây được một ngôi trường mới. Tuy vậy, theo thầy Lê Nguyên Vịnh – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì: “Vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người học”.
“Để đáp ứng được chỗ học cho trẻ 6 tuổi, Thủ Đức phải xây thêm nhiều trường tiểu học nữa. Năm học 2009-2010, Thủ Đức có khoảng 3.600 HS từ lớp 5 lên lớp 6, nhưng số trẻ vào lớp 1 cao gấp đôi – trên 7.200 trẻ. Tuy nhiên xây thêm 1 trường còn khó nói gì là nhiều trường. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng có tới 60% trường hội đủ các điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nhưng do sĩ số HS/lớp quá đông nên không đạt chuẩn…”, thầy Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức khẳng định.
Ngoài vấn đề trường lớp xây dựng theo tiến độ “rùa bò”, lãnh đạo các phòng GD-ĐT cũng băn khoăn về đời sống của đội ngũ làm công việc gián tiếp ở trường học như bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ… Thầy Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho rằng: “Chuẩn nghèo mới của thành phố là 10 triệu đồng/người/năm nhưng lương của đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng trong trường học chưa tới chuẩn này”. Bên cạnh đó đời sống của đội ngũ giáo viên cũng rất khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở. “Nhiều giáo viên, thậm chí cả ban giám hiệu phải đi thuê nhà ở”. Vì vậy, trong năm học mới Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành GD cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này…”, thầy Hải kiến nghị.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)