Sự kiện giáo dụcTin tức

Tổng kết năm học khối các trường ĐH, CĐ: Ngành giáo dục vẫn “nợ” 3 câu hỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2008 – 2009 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 khối các trường ĐH, CĐ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
23 tỉnh “trắng ĐH”
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 376 trường ĐH, CĐ với hơn 1,7 triệu SV. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có số lượng trường ĐH, CĐ lớn nhất cả nước (Hà Nội 83 trường ĐH, CĐ và TP.HCM là 67 trường). TP. Đà Nẵng có 19 trường và Hải Phòng có 8 trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tính đến tháng 8-2009, cả nước vẫn còn 23/63 tỉnh thành chưa có trường ĐH nào. Những tỉnh “trắng ĐH” này chủ yếu thuộc vùng 3 “tây” của đất nước: Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ.
Đánh giá về chất lượng hiện nay trong các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quy mô phát triển chưa đúng, chất lượng giáo dục chưa đạt yêu cầu. Sau 22 năm đổi mới (từ 1987 đến 2009), số trường ĐH, CĐ tăng gấp 3,7 lần (năm 1987 có 101 trường, 2009 có 376 trường), số sinh viên tăng gấp 13 lần (từ 133 nghìn SV tăng lên thành 1,7 triệu SV) nhưng đội ngũ giáo viên chỉ tăng 3 lần (2 vạn giáo viên năm 1987 lên 6,2 vạn năm 2009). “Như vậy điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục không bằng 20 năm trước. Năm 1987 tỷ lệ SV/giảng viên chúng ta đạt “chuẩn quốc tế” với 6,6 SV/giảng viên. Nhưng đến nay, tỷ lệ này lại “tụt” xuống thành 28 SV/giảng viên” – Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ. Trong khi đó, riêng năm học vừa qua, hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của nước ta đã bổ sung được 5.000 SV.
3 câu hỏi chưa có câu trả lời
Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng giáo dục ĐH, CĐ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay ngành vẫn còn 3 câu hỏi chưa trả lời được. Đó là chất lượng giáo dục như thế nào; việc chấp hành quy định ở các trường như thế nào; và việc các trường sử dụng ngân sách như thế nào? Từ ba câu hỏi này, người đứng đầu ngành giáo dục kết luận không thể duy trì phương pháp quản lý tập trung mà phải phân cấp cho các địa phương. Tuy nhiên, đứng từ góc độ trường đã được giao tự chủ về tài chính, lãnh đạo ĐH Hà Nội cho biết càng tự chủ trường càng gặp khó khăn hơn. Sở dĩ ngành giáo dục vẫn chưa có câu trả lời về chất lượng giáo dục như hiện nay có nguyên nhân từ đội ngũ giảng viên của các trường. Cả nước hiện có 376 trường ĐH, CĐ nhưng chỉ có 320 giảng viên ĐH có chức danh giáo sư. Số giảng viên có chức danh PGS là 1.966, đạt tỷ lệ 3,21%, số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217, đạt tỷ lệ 10,16%, số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 22.831, đạt tỷ lệ 37,31%. Tổng số giảng viên từ thạc sĩ trở lên dạy trong các trường ĐH, CĐ của cả nước chỉ chiếm 50%. 50% còn lại vẫn là “cơm chấm cơm” – người có trình độ đại học dạy người học đại học! Còn theo GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước, để trả lời 3 câu hỏi này cần sự nỗ lực từ Bộ ngành đến các địa phương. Và động lực cho vấn đề này chính là từ các thầy cô giáo. Hiện nay, quy chế làm việc của giảng viên không nghiêm túc, kỷ luật làm việc của giảng viên không được giám sát nên chất lượng giáo dục chưa đạt yêu cầu.
Đưa các trường ĐH sánh vai cùng các nước
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp các thầy cô, quản lý trực tiếp các trường ĐH, CĐ, nơi đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Theo Thủ tướng, nền tảng để phát triển kinh tế của đất nước giống như “kiềng 3 chân”: cơ chế kinh tế, nguồn nhân lực và kết cấu cơ sở hạ tầng. Trong đó, đối với nguồn nhân lực, trong suốt 22 năm đổi mới, Thủ tướng đánh giá cao vai trò đào tạo của các trường ĐH. Tại các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ viễn thông, lĩnh vực hàng hải… chúng ta có nhiều tiến bộ phát triển vượt bậc và đội ngũ nguồn nhân lực ở đây đều được đào tạo từ chính các trường ĐH trong nước. Trong thời gian tới, theo Thủ tướng, chúng ta phải đưa các trường ĐH sánh vai với các nước khác, chúng ta phải nỗ lực, tự tin, phấn đấu điều này đồng thời cũng phải nghiêm túc nhìn nhận hạn chế như chất lượng giáo dục ĐH còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là yếu kém về quản lý nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ sắp tới là đổi mới quản lý nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh ngành giáo dục đã lấy chủ đề năm học mới là đổi mới chất lượng quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục cũng phải xây dựng chiến lược phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ chế tự chủ tài chính cũng rất quan trọng.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)