Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tổng kiểm tra Formosa

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn công tác do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) làm trưởng đoàn; ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) và Phạm Lam Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, làm phó trưởng đoàn.
Ngày 4.5, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia đã báo cáo Bộ Y tế về kết quả kiểm nghiệm 16 mẫu hải sản lấy ngày 2.5, gồm 5 mẫu cá, 1 mẫu tôm, 1 mẫu mực ở chợ Gò Cá (xã Cẩm Nhượng, H.Cẩm Xuyên) và 7 mẫu cá, 1 mẫu ghẹ, 1 mẫu mực ở chợ cá Thạch Kim (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh). Theo đó, cả 16 mẫu hải sản này đều có hàm lượng kim loại nặng nằm trong ngưỡng cho phép.
K.Hoan – Nguyên Dũng

Chiều 4.5, đoàn liên ngành chia làm 6 tổ kiểm tra với nhiều nội dung tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). Đoàn đã nghe Formosa báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường và tiến độ triển khai dự án.

Theo chương trình dự kiến kéo dài đến ngày 7.5, đoàn liên ngành sẽ làm việc với Formosa về biên bản kiểm tra trước khi ký xác nhận. “Song song với thành lập các đoàn kiểm tra, Bộ TN-MT cũng sẽ thành lập Hội đồng liên ngành để đánh giá báo cáo kết quả của các tổ kiểm tra. Kết thúc quá trình kiểm tra sẽ công khai thông tin để người dân được rõ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Gần 100 chuyên gia vào cuộc
Cũng trong ngày hôm qua 4.5, Bộ KH-CN cho biết đã thành lập Hội đồng cấp quốc gia nhằm phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung. Chủ tịch hội đồng là GS-VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN VN. Sau khi hội đồng được thành lập, GS-VS Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt.
Bộ KH-CN cho biết, đến thời điểm này đã có sự vào cuộc của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất – địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản… Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu để phân tích, bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du…
Các mẫu được các phòng thí nghiệm với hệ thống máy móc hiện đại của Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước. Ngoài ra, các chuyên gia còn lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và những ảnh hưởng khác do động đất gây ra; số liệu về viễn thám để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophyll, sự hiện diện của dầu loang.
Theo Bộ KH-CN, bước đầu các nhà khoa học đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hóa học.
Làm rõ “nước biển đỏ” ở Quảng Bình
ẢNH: K.HOAN

Cán bộ lấy mẫu nước chuyển màu để xét nghiệm Ảnh: Nam Hải

Mở rộng địa bàn quan trắc nước biển 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường chỉ đạo các trung tâm trong hệ thống quan trắc quốc gia mở rộng địa bàn quan trắc nước biển từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và tăng tần suất quan trắc từ 2 – 3 lần/ngày. Đồng thời, thường xuyên cung cấp số liệu đến các địa phương, phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cùng biết.
Lê Quân

Trong một động thái khác, cơ quan chức năng hôm qua đã có mặt tại xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình lấy mẫu nước biển bị chuyển màu đục đỏ để nghiên cứu, truy tìm nguồn gốc làm nước đổi màu khác thường.

Vụ việc được người dân địa phương phát hiện sáng cùng ngày. Sau khi đi kiểm tra, Sở TN-MT tỉnh đã có công văn khuyến cáo, cho biết qua khảo sát, đoàn công tác thấy nước biển ven bờ có màu khác thường tại khu vực các thôn: Bắc, Vinh, Khối, Nhân Nam và Nhân Quang. Nước biển sát bờ có màu khác thường ở phạm vi chiều rộng khoảng 10 m, kéo dài khoảng 1.500 m. Sở đã lấy mẫu để kiểm tra và báo cáo Tổng cục Môi trường vào hỗ trợ để xác định nguyên nhân. Sở TN-MT đề nghị UBND H.Bố Trạch, UBND xã Nhân Trạch thông báo, khuyến cáo người dân trong khu vực không được tắm biển hoặc sử dụng nước biển cho các hoạt động khác cho đến khi xác định được nguyên nhân và có thông báo kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Ngay sau khi nhận được báo cáo, chiều qua đoàn công tác của Bộ TN-MT đã có mặt tại Quảng Bình để tiến hành kiểm tra. Cùng lúc đó, GS-TS Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cùng cán bộ của Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN đến bờ biển Nhân Trạch ghi nhận tình hình, lấy mẫu nước về phân tích. Ông Tiến cho hay, hiện tượng này ông đã nhìn thấy ở nước ngoài nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến xuất hiện ở VN. Thường nước biển có màu như vậy là do trong nước có nhiều tảo phát triển không bình thường và có chất gây độc, hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra.
 

Theo Thanh Niên

Bình luận (0)