Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh danh nhân tuồng Tống Phước Phổ, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phối hợp Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân tuồng Tống Phước Phổ (sinh năm 1902, quê quán ở làng An Quán, Điện Bàn, Quảng Nam).
Theo GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Tống Phước Phổ là soạn giả lớn của sân khấu tuồng trong gần một thế kỷ qua, đặc biệt là nghệ thuật tuồng cách mạng. Trong hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, danh nhân Tống Phước Phổ đã để lại cho hậu thế yêu và say mê tuồng Việt Nam một gia tài đồ sộ với gần 100 vở tuồng. Trong đó có nhiều vở tuồng ở đỉnh cao như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lam Sơn tụ nghĩa, Lục Vân Tiên… Đến nay, các nhà hát, đoàn tuồng chuyên nghiệp cả nước vẫn tiếp tục dàn dựng các vở diễn của ông để phục vụ công chúng. Đề tài của ông chủ yếu thiên về lịch sử, các vị anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn được xem là nhà thơ có tài, viết báo rất sắc bén.
90 năm sống ở trần thế, Tống Phước Phổ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật, và công cuộc giải phóng giành độc lập dân tộc. Ông là một trong những nghệ sĩ tuồng đầu tiên ra tiền tuyến phục vụ kháng chiến; thành lập đoàn tuồng biểu diễn lấy tiền ủng hộ quỹ kháng chiến.
Được biết, danh nhân Tống Phước Phổ sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Năm lên 18 tuổi, ông đã sáng tác vở tuồng Lâm Sanh, Xuân Nương…
Vĩnh Yên
Bình luận (0)