Hội nhậpThế giới 24h

Tổng thống Obama thăm châu Á

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử đến Myanmar, Thái Lan, Campuchia.

Thêm một khẳng định đối với chính sách hướng về châu Á – Thái Bình Dương của Washington.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Hội nghị Đông Á ở Bali năm 2011 – Ảnh: Reuters
Nhà Trắng hôm 8-11 đã loan báo chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương của ông Obama kéo dài từ ngày 17 đến 20-11. Tại Myanmar, ông sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Ông cũng sẽ đến Thái Lan và gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đánh dấu 180 năm quan hệ ngoại giao giữa Washington với đồng minh quan trọng ở Đông Nam Á này. Tại Campuchia, ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Bên lề hội nghị này, như AFP cho biết, tổng thống Mỹ cũng sẽ hội đàm song phương với một số nhà lãnh đạo khu vực.
Tăng ảnh hưởng tại châu Á
Chuyến công du lần này của ông Obama có nhiều cái “đầu tiên”. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử và đó lại là châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Nhà Trắng cũng nêu rõ ông Obama sẽ tận dụng chuyến công du châu Á lần này “để thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm cả sự thịnh vượng kinh tế và tạo công ăn việc làm thông qua việc tăng cường thương mại và quan hệ đối tác, hợp tác năng lượng và an ninh, chia sẻ các giá trị và các vấn đề khác mà cả khu vực và thế giới quan tâm”.
Theo New York Times, một số ý kiến chỉ trích ông Obama đã đi quá xa khi ưu ái đến thăm Myanmar mà không xem xét lại những tiến bộ đổi mới của nước này. Tuy nhiên, Washington đã mời Myanmar tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng ở Thái Lan vào năm sau với tư cách quan sát viên, tuyên bố mở rộng viện trợ cùng nới lỏng cấm vận. Chính vì thế, báo giới nhận định sự hiện diện của ông Obama ở Myanmar rõ ràng cho thấy Washington tiếp tục dành ưu tiên cho châu Á – Thái Bình Dương, tiếp tục tăng cường ảnh hưởng nhằm kiềm chế Trung Quốc tại khu vực chiến lược quan trọng này.
Trong khi đó, theo Reuters, dư luận Trung Quốc lại lo ngại “sự thân thiết quá nhanh” của Mỹ với Myanmar có thể đe dọa mối quan hệ giữa Bắc Kinh với nước này. Tuy nhiên, ông Tần Quang Vinh – bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Trung Quốc – cho rằng Trung Quốc ủng hộ sự mở cửa của Myanmar, đặc biệt sự hòa bình và ổn định ở nước này sẽ có lợi cho Trung Quốc.
“Chúng tôi hiểu và ủng hộ mong muốn của chính quyền Myanmar muốn mở cửa và trở thành một phần của thế giới – ông Tần nói với báo giới bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc – Chúng tôi tin rằng các lãnh đạo của Myanmar sẽ lãnh đạo đất nước mở cửa một cách khôn ngoan”.
Cùng lúc, Lầu Năm Góc thông báo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ thăm Úc, Thái Lan và Campuchia. Ông Panetta sẽ đến Úc ngày 18-11 để tham dự cuộc họp thường niên Mỹ – Úc tại Perth. Cùng tham dự cuộc họp này còn có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương – đô đốc Samuel Locklear. Cuộc gặp diễn ra sau khi các đơn vị thủy quân lục chiến và không quân Mỹ được triển khai đến phía bắc Úc, một động thái nữa cho thấy Mỹ đang tăng cường hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương. AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cho biết ông Panetta sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa chiến lược dài hạn hướng về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Sau Úc, ông Panetta sẽ đến Thái Lan và sau đó là Campuchia để tham dự cuộc họp chung với những người đồng cấp trong ASEAN. Vẫn theo lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, tại cuộc gặp này ông Panetta sẽ nhấn mạnh “sự đoàn kết trong ASEAN là nhân tố quan trọng cho một sự ổn định của khu vực”, và chuyến đi của ông Panetta cũng phản ánh niềm tin của Washington là an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ gắn chặt với châu Á – Thái Bình Dương.
“Sử dụng sức mạnh trên biển một cách hòa bình”
Cùng ngày, Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc sử dụng sức mạnh trên biển của mình “một cách hòa bình”. Bắc Kinh phải hành xử như “một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
“Tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều có quyền và trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ cùng các vùng biển của mình, nhưng những hành động này được thực thi một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế” – người phát ngôn thứ hai Bộ Ngoại giao Nhật Naoko Saiki tuyên bố. Bà Saiki nhấn mạnh hai nước có nhiệm vụ giữ gìn sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Trước đó, khi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã khẳng định “cần làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc biển” và “kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển của mình” – theo Nhân Dân Nhật Báo.
VIỆT PHƯƠNG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)