Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande dự kiến đến Hà Nội vào khuya nay (5-9) sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Tổng thống Pháp François Hollande – Ảnh: Reuters |
Tổng thống François Hollande là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam sau các chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và năm 2004.
Chuyến thăm này nhằm cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp và sẽ là dịp để nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đề cập tới mọi chủ đề khu vực và song phương và thăm dò những triển vọng hợp tác mới.
Tháp tùng Tổng thống Hollande có Bộ trưởng Tài chính và Tài khoản công Michel Sapin, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại, Thủ công, Tiêu dùng và Kinh tế xã hội và đoàn kết Martine Pinville.
Sau lễ đón chính thức tại Hà Nội ngày 6-9, Tổng thống Hollande sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong chương trình viếng thăm, theo thông tin từ Lãnh sự quán Pháp, ông Hollande sẽ có một bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề tương lai chung của Pháp và Việt Nam – đây là dịp để Tổng thống Hollande trình bày những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ 21.
Sau chương trình ở Hà Nội, tổng thống Hollande sẽ vào TP.HCM. Tại đây, ông sẽ gặp gỡ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong.
Ông cũng có buổi gặp một phái đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp vào sáng 7-9. Cuộc gặp này sẽ được tiếp tục bằng một diễn đàn doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt tổ chức.
Tổng thống François Hollande sẽ tới thăm Viện Tim TP.HCM – biểu tượng cho sự hợp tác lịch sử của hai nước trong lĩnh vực y tế.
Pháp và Việt Nam có mối liên hệ từ lâu đời. Ngày 12-4-1973, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ.
Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên ủng hộ chính sách đổi mới của Việt Nam, sát cánh cùng Việt nam trong tiến trình phát triển và đổi mới.
Mối quan hệ song phương được tăng cường thông qua việc đối thoại thường xuyên. Ngày 25-9-2013, Pháp và Việt Nam đã ký tuyên bố về Quan hệ đối tác chiến lược, nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hóa).
Năm 2015, có 6.500 sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp (nhiều thứ 2 trong cộng đồng sinh viên châu Á tại Pháp) và gần 1.300 sinh viên sang Pháp mỗi năm để tiếp tục chương trình đại học tại Pháp.
Với tổng giá trị đầu tư 3,4 tỉ USD, hiện Pháp là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong nhóm nước châu Âu, sau Hà Lan và Anh và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 461 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Có gần 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp cỡ trung bình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và rất thành công trong nhiều lĩnh vực.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 4,2 tỉ USD (tăng 19% so với năm 2014), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,9 tỉ USD (tăng 23% so với năm 2014), chủ yếu là những mặt hàng giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử…
Tổng thống François HOLLANDE sinh ngày 12-8-1954 tại Rouen. Ông có 4 người con. Ông từng là Bí thư thứ nhất Đảng xã hội (từ 1997 đến 2008), thị trưởng thành phố Tulle (từ 2001 đến 2008), nghị sĩ tỉnh Corrèze (từ 1988 đến 1993, tiếp đó từ 1997 đến 2012) và Chủ tịch Hội đồng tỉnh Corrèze (từ 2008 đến 2012). Từ năm 1988 đến 1991, ông là giảng viên kinh tế Viện nghiên cứu chính trị Paris. Ông chính thức trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống tại vòng nội bộ Đảng xã hội vào tháng 3-2011 và giành thắng lợi vào tháng 10-2011. Tháng 5-2012, ông François HOLLANDE trở thành vị Tổng thống thứ 7 của nền đệ ngũ Cộng hòa của Pháp. |
NGUYỄN QUÂN/TTO
Bình luận (0)