Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất gói viện trợ quân sự trị giá 107 tỉ USD trong 5 năm cho Ukraine, nhằm giúp liên minh quân sự này có vai trò trực tiếp hơn trong việc hỗ trợ Kiev.
5 nhà ngoại giao cho biết hôm 3-4 theo kế hoạch, NATO sẽ đảm nhận một số công việc phối hợp từ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein – bước đi đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào của Mỹ nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất gói viện trợ quân sự trị giá 107 tỉ USD trong 5 năm cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Đề xuất này dự kiến được thảo luận tại cuộc họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO trong ngày 3 và 4-4 tại Brussels. Mục đích là hoàn thiện gói viện trợ kịp thời cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7.
Cho đến nay, NATO đã hạn chế viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng vai trò trực tiếp của khối có thể gây căng thẳng leo thang với Nga. Hầu hết các thành viên của tổ chức này cung cấp vũ khí cho Ukraine trên cơ sở song phương.
Các nhà ngoại giao cho biết trong một phần của kế hoạch, NATO sẽ thành lập phái bộ NATO tại Ukraine mặc dù vẫn chưa rõ liệu phái bộ này có hoạt động bên trong nước này hay không.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh kế hoạch này một phần là để phòng vệ trước những thay đổi chính trị ở bất kỳ thành viên NATO nào nhưng trong suy nghĩ của nhiều thành viên NATO, ông Trump mới là trở ngại lớn nhất.
NATO từ chối bình luận chi tiết về các đề xuất của ông Stoltenberg nhưng một quan chức NATO cho hay các bộ trưởng ngoại giao sẽ thảo luận cách tốt nhất để hỗ trợ cho Ukraine mạnh mẽ hơn, có thể dự đoán được và lâu dài hơn.
Các nhà ngoại giao cảnh báo cuộc thảo luận về đề xuất này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa rõ liệu con số 107 tỉ USD có được chấp nhận hay sẽ được tài trợ như thế nào. Tất cả quyết định của NATO đều cần có sự đồng thuận giữa 32 thành viên của liên minh.
Một nhà ngoại giao nhận định: "Quỹ 100 tỉ USD có vẻ rất lạc quan dù biết rằng việc thống nhất một số tiền nhỏ hơn ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) khó khăn như thế nào".
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)