Công nghệ hiện đại đã đưa chúng ta tới nhiều chân trời kiến thức khoa học mới, và một trong số đó là việc biết Trái Đất của chúng ta cũng có những "người anh em" trong vũ trụ này.
Kepler-452b
Hành tinh Kepler-452b được NASA công bố vào ngày 23 tháng 7 năm 2015 và được xác định bởi kính thiên văn không gian Kepler. Kepler-452b là một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời, là lần đầu tiên con người phát hiện hành tinh gần trái đất có kích thước quay quanh trong vùng sinh sống của một ngôi sao tương tự như Mặt trời.
Ảnh mô phỏng Kepler-452b.
Hành tinh này cách hệ Mặt trời 1.400 năm ánh sáng. Với tốc độ 59.000km/giờ của New Horizons, tàu vũ trụ nhanh nhất từng được con người chế tạo, sẽ mất khoảng 25,8 triệu năm để tiếp cận Kepler-452b.
Nó có kích thước lớn gấp Trái Đất 1,6 lần, nhiều khả năng là hành tinh đá, với bề mặt chứa nhiều sắt và các kim loại khác. Song Kepler-452b luôn được mệnh danh là "Trái Đất phiên bản 2.0".
HD 219134b
HD 219134b là một hành tinh nằm trong ngôi sao có tên hiệu là HD 219134. Theo các nhà khoa học, ngôi sao HD 219134 (hay còn được gọi là HR 8832) là một ngôi sao lùn có độ lớn thứ 5 nằm trong chòm sao Thiên Hậu (Cassiopeia) và chỉ cách Trái đất chúng ta khoảng 21 năm ánh sáng. HD 219134b lớn hơn Trái Đất cỡ 1,6 lần và nặng hơn 4,5 lần
Hành tinh HD 219134b.
Michael Werner, một nhà khoa học trong sứ mệnh Spitzer tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tuyên bố: "Hành tinh này sẽ là một trong những đối tượng được nghiên cứu nhiều nhất trong nhiều thập kỷ tới".
Việc hành tinh này ở rất gần chúng ta sẽ còn mang đến nhiều sự quan tâm hơn cả Kepler-452b và lọt vào danh sách thăm dò tiềm năng.
GJ1132b
Cuối năm 2015, các nhà thiên văn học công bố: Họ đã tìm ra một hành tinh mới chỉ cách chúng ta 39 năm ánh sáng và khá giống Trái Đất về kích thước. Nhà thiên văn David Charbonneau của Trung tâm Vật lí thiên văn Harvard-Smithsonian tại Mỹ là người có công tìm ra GJ1132b.
Cận cảnh hành tinh GJ1132b.
GJ1132b có kích thước lớn gấp 1,2 lần kích thước Trái Đất, thuộc loại hành tinh đá với thành phần chủ yếu là đá và sắt. Đó là thiên thể gần Trái Đất nhất trong số các hành tinh đá mà con người từng phát hiện. Người ta tin rằng khả năng tồn tại sự sống trên GJ1132b là rất cao.
Cặp song sinh Kepler-62e và Kepler-62f
Mới đây, chuyên gia Eric Agol thuộc đại học Washington (Mỹ) vừa công bố phát hiện một cặp hành tinh có nhiều nét tương đồng với Trái Đất thông qua kính viễn vọng Kepler. Đó là hai hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện nằm trong khu vực có thể cho phép sự sống sinh sôi.
Phạm vi dải màu xanh lá cây được cho là khu vực có thể tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.
2 hành tinh này thuộc loại hành tinh đá, có đủ điều kiện để xuất hiện nước trên bề mặt. Cặp "song sinh" gần gũi với chúng ta này đang quay quanh một ngôi sao như mặt trời tại chòm sao Thiên Cầm, có kích thước lớn hơn Trái Đất khoảng 1,4 lần.
Kepler-62e và Kepler-62f.
Hiện đã xác định được nhiệt lượng và bức xạ của hai hành tinh này chỉ bằng một nửa Trái Đất và chu kỳ quay là 267,3 ngày.
TT (theo dantri)
Bình luận (0)