Ông Mai Văn Trinh. Ảnh: I.T |
Ngày 18-12, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Năm tới, vì lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi quốc gia nên quy chế có nhiều điểm mới. Trước băn khoăn của dư luận về một kỳ thi quốc gia, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
PV: Mọi năm thí sinh (TS) giáo dục thường xuyên (GDTX) và THPT thi 2 đề khác nhau, năm nay trong dự thảo có một điểm mới đó là TS học THPT và học GDTX thi chung một đề. Việc ra đề thi có đáp ứng được sự khác nhau về chương trình của hai hệ học này hay không, thưa ông?
– Ông Mai Văn Trinh:Từ 2014 trở về trước, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, HS THPT và học viên GDTX làm hai đề thi khác nhau. Nhưng trong tuyển sinh ĐH lại làm một đề như nhau. Một kỳ thi quốc gia 2015 cả hai đối tượng này cùng làm một đề thi. Đề thi sẽ có những câu hỏi căn bản, phù hợp với cả đối tượng là HS THPT và học viên GDTX. Các em chỉ cần trả lời các câu hỏi này là đã đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT. Còn các câu hỏi nâng cao sẽ hướng đến độ phân hóa trình độ của TS giúp các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.
Vậy có nghĩa là có một loại bằng?
Trong thi THPT quốc gia, cả HS THPT và học viên GDTX làm cùng một đề thi. Nếu các em đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp thì các em được cấp một loại bằng tốt nghiệp, không còn hai loại như trước đây nữa.
Một trong những điều chỉnh nữa được đưa ra trong dự thảo đối với một kỳ thi sắp tới đó là thang điểm 20 thay cho thang điểm 10. Việc này nhằm mục đích gì và có ảnh hưởng gì đến TS?
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa để cung cấp cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Do đó yêu cầu về độ phân hóa trình độ của TS được đặt ra cao hơn so với từng kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng rẽ như trước đây. Đề thi đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Trong đó, coi thi, chấm thi cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của TS. Do đó việc mở rộng thang điểm 10 thành thang điểm 20 và chấm có độ chính xác từ 0,25 sẽ phân hóa kết quả của TS chính xác hơn, chi tiết hơn, tạo điều kiện tốt cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Chính vì lý do đó, Bộ GD-ĐT quyết định sử dụng thang điểm 20 cho 8 môn thi của kỳ thi quốc gia 2015.
Mọi năm TS đăng ký trước, dự thi sau, còn năm nay thi xong rồi mới đăng ký nên nhiều em lo lắng không biết là mình sẽ làm gì, làm sao để biết đậu hay trượt để có sự lựa chọn chính xác?
Đây là sự thay đổi theo hướng có lợi cho TS. Sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nên có cơ sở để lựa chọn các ngành phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình xét tuyển, phần mềm quản lý thi sẽ cung cấp số liệu thống kê về kết quả thi của TS trên toàn quốc và các trường ĐH, CĐ thì định kỳ trong quá trình xét tuyển sẽ thông báo tình hình xét tuyển của trường mình, trên cơ sở đó, TS có thể định cỡ và tiên đoán khả năng trúng tuyển của mình. Để đảm bảo quyền lợi, TS có thể rút giấy đăng ký dự thi để chuyển sang trường khác và các trường ĐH, CĐ phải có trách nhiệm giải quyết việc này để đảm bảo quyền lợi cho TS.
Xin cảm ơn ông.
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)