Tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH không vượt quá 50% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng; nhưng chỉ 25% đối với cùng đối tượng từ cơ sở giáo dục chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đây là một trong số nội dung thuộc Dự thảo nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng; thay đổi ngành nghề khi cần
Trong tờ trình Chính phủ về Dự thảo nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT nhận định liên thông giữa các cấp học giúp người học có thể tiếp tục quá trình học tập một cách liền mạch từ cấp độ này sang cấp độ khác; tạo cơ hội học tập suốt đời, nâng cao kiến thức, kỹ năng và thay đổi ngành nghề khi cần. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, nơi các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức luôn thay đổi. Hệ thống giáo dục mang tính liên thông cao giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực giáo dục sẵn có như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tài nguyên giáo dục. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và tối ưu hóa các nguồn lực giáo dục.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng một hệ thống liên thông giữa các cấp học cũng giúp Việt Nam dễ dàng hội nhập với hệ thống giáo dục các nước trên thế giới; đảm bảo rằng học sinh, sinh viên Việt Nam có thể chuyển tiếp và công nhận dễ dàng khi học tập hoặc làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Việc xây dựng nghị định liên thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, giúp hệ thống giáo dục trở nên linh hoạt hơn, thích ứng tốt với những thay đổi trong nhu cầu học tập và phát triển của xã hội.
Tuyển sinh hai hình thức chung hoặc riêng
Dự thảo nghị định gồm 3 chương, 13 điều; trong đó, quy định chi tiết về liên thông giữa trung cấp (TC) với cấp THPT và giữa TC, CĐ với ĐH. Về tuyển sinh liên thông, dự thảo nghị định quy định hình thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng dựa trên điều kiện đầu vào của từng cấp học; quy định chi tiết về tuyển sinh liên thông từ TC lên ĐH và từ CĐ lên ĐH.
Đối với liên thông giữa TC với cấp THPT, dự thảo nghị định quy định học sinh đã tốt nghiệp THCS, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo TC được học liên thông theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Bộ trưởng GD-ĐT quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này. Học sinh đã hoàn thành chương trình cấp THPT được học liên thông theo chương trình đào tạo TC. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này.
Với liên thông từ TC lên ĐH, dự thảo nghị định quy định người tốt nghiệp TC, nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Còn người tốt nghiệp TC, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ ĐH cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT do cơ sở giáo dục ĐH xác định.
Cơ sở giáo dục ĐH quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp TC cùng nhóm ngành nghề, trong đó, tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH không vượt quá 20%; không áp dụng miễn giảm khối lượng học tập đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề.
Với liên thông từ CĐ lên ĐH, dự thảo nghị định quy định người tốt nghiệp CĐ, nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Người tốt nghiệp CĐ, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ ĐH cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo những phương thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng do cơ sở giáo dục ĐH xác định.
Cơ sở giáo dục ĐH xây dựng quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp CĐ, trong đó tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH không vượt quá 50% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp; 25% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tỷ lệ này là 25% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng; là 10% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Không nên “cắt khúc”, phân biệt nhiều hình thức đào tạo kiến thức văn hóa
TS.Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhận xét, các quy định về liên thông trong dự thảo nghị định lần này khá rõ ràng so với trước đây. Trong đó, có liên thông từ cấp phổ thông đến TC, CĐ, ĐH; có liên thông ngang… Tuy quy định rõ, chi tiết hơn nhưng dự thảo không làm giảm đi yêu cầu của liên thông, thậm chí yêu cầu còn cao hơn so với các quy định hiện hành. “Điểm đáng chú ý là dự thảo nghị định cũng có quy định tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH cho người học liên thông phụ thuộc vào thương hiệu của trường TC, CĐ thông qua kiểm định. Điều này sẽ tạo tác động để các trường CĐ, TC thực hiện kiểm định nhằm tạo thuận lợi cho người học liên thông” – TS. Nhân nói.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) góp ý, dự thảo nghị định lần này cần nghiên cứu toàn diện để xây dựng đồng bộ, căn cứ trên Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Ông Tuấn kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo sự xuyên suốt, thống nhất trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp cũng như liên thông ĐH theo chính sách mở; không nên “cắt khúc”, phân biệt nhiều hình thức đào tạo văn hóa trong giáo dục nghề nghiệp.
Với quy định “người tốt nghiệp TC/CĐ nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH”, ông Tuấn cho rằng khó thực hiện vì hệ thống nhóm ngành TC, CĐ và ĐH chưa thống nhất với nhau. Do vậy, khó xác định rõ sự tương thích giữa ngành nghề ở các bậc đào tạo này. “Chẳng hạn, học TC ngành công tác xã hội thì có liên thông được toàn bộ nhóm ngành khoa học xã hội như tâm lý học, xã hội học… hoặc học TC tin học có liên thông được ĐH ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý… ở ĐH hay không” – ông Tuấn đặt câu hỏi.
Việt Ngân
Bình luận (0)