Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Tour tham quan địa đạo Củ Chi về đêm chính thức hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

 Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM), từ ngày 18/3, khu di tích này sẽ phối hợp với một số công ty du lịch – lữ hành chính thức đưa tour du lịch tới địa đạo Củ Chi về đêm đi vào hoạt động.

Tour du lịch này sẽ đưa du khách đến với địa đạo Củ Chi, nơi được mệnh danh là “Thành phố dưới lòng đất” duy nhất tại Việt Nam và được xem là một trong những đường hầm kỳ thú nhất thế giới.

Với chủ đề mang tên "Trăng chiến khu", tour sẽ tái hiện cuộc sống và sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi trong vùng giải phóng thời chống Mỹ, với những hoạt động thực cảnh như người dân tham gia đào địa đạo, lao động dưới ánh trăng như xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ… Cảnh văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân cùng với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay địch tuần tiễu…

Tour tham quan địa đạo Củ Chi về đêm chính thức hoạt động ảnh 1

Du khách được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt trong thời kỳ kháng chiến (Ảnh BQL di tích)

Du khách cũng sẽ được trải nghiệm cuộc sống dưới hầm địa đạo để hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi. Thông qua tour du lịch, du khách có thể hiểu được cuộc sống và tinh thần của con người Củ Chi trong giai đoạn này vẫn hòa cùng khí thế hào hùng của dân tộc, luôn giữ sự lạc quan, tin tưởng, hăng hái đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo lịch trình, tour du lịch về đêm tại Củ Chi sẽ diễn ra từ 18h tới 20h40 với nhiều hoạt động như: từ 18h – 18h50, du khách xem hướng dẫn trên sa bàn, xem phim 3D tái hiện trận càn CedarFalls – một trong những chiến dịch ác liệt nhất mà quân địch đã tổ chức nhằm xoá sổ địa đạo Củ Chi cùng các cơ quan đầu não của Quân khu Sài Gòn – Gia Định đóng tại đây. Từ 19h30 – 20h40, du khách xem chương trình biểu diễn hoạt cảnh "Trăng chiến khu" và cùng hoà mình vào cuộc sống của người dân địa đạo thời kỳ đó.

Tour tham quan địa đạo Củ Chi về đêm chính thức hoạt động ảnh 2

Hình ảnh một nữ du kích đang may quần áo trong hầm trú ẩn

Tour du lịch Củ Chi về đêm sẽ diễn ra trong 3 ngày 18, 22/3 và 25/3 với giá vé đồng hạng là 399.000 đồng/người.

Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70 km về phía Tây Bắc. Được xây dựng từ năm 1946 với ban đầu chỉ là những hầm trú ẩn bí mật riêng lẻ, do ảnh hưởng của chiến tranh mà sau đó các hộ dân đã liên kết các hầm với nhau tạo thành địa đạo. Từ năm 1961 đến năm 1965, trước sự leo thang khốc liệt của chiến tranh, địa đạo đã được xây dựng, phát triển mạnh thành hệ thống địa đạo kiên cố, liên hoàn, quy mô rộng khắp 6 xã trên địa bàn huyện Củ Chi với chiều dài khoảng 250 km ẩn dưới lòng đất.

Tour tham quan địa đạo Củ Chi về đêm chính thức hoạt động ảnh 3

Hình ảnh mô phỏng lực lượng chỉ huy đang họp bàn trong một phòng họp dưới địa đạo

Trong suốt 30 năm (1945 – 1975), Địa đạo Củ Chi phát triển từ những hầm bí mật, trở thành hệ thống liên hoàn bao gồm các địa đạo, hầm giao thông, hầm chiến đấu, hệ thống công sự, các khu sinh hoạt như bếp ăn, phòng hội họp, phòng cứu chữa thương bệnh binh, kho chứa lương thực, vũ khí dưới lòng đất… Hệ thống địa đạo trên đã góp phần bảo đảm cho dân, quân Củ Chi trú ẩn, bám trụ để chiến đấu kết hợp với sản xuất và tạo thành làng ngầm dưới lòng đất.

Sau năm 1975, một số khu vực thuộc Địa đạo Củ Chi đã được gìn giữ, bảo tồn và đưa vào khai thác, phát huy giá trị phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế cũng như là điểm đến giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Di tích Địa đạo Củ Chi đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015 và đến năm 2020, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tham mưu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Theo Ban Quản lý Khu di tích địa đạo Củ Chi, việc xây dựng tour du lịch về đêm nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch mới để thu hút và đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng cao của du khách khi đến di tích Quốc gia đặc biệt này. Tour du lịch cũng góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau này.

Theo Trọng Thịnh/TPO

 

Bình luận (0)