Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP. Cần Thơ: Cám cảnh trường tạm, học nhờ…

Tạp Chí Giáo Dục

Là thành phố trực thuộc trung ương nhưng có thể nói cơ sở vật chất trường lớp dành cho bậc học mầm non trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện đang rất khó khăn, thiếu thốn nhất là ở các huyện vùng ven, xa trung tâm thành phố. Nhiều trường vùng ven vẫn còn tình trạng phòng học tạm bợ, đang xuống cấp nghiêm trọng hoặc học nhờ…
Trường Mẫu giáo Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) được thành lập từ năm học 2009-2010 trên cơ sở tách từ Trường Mầm non Thới Đông. Trường có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ thì hầu hết các điểm đều rơi vào tình trạng tạm bợ. Phòng học ở điểm Thới Bình 2 cũ kỹ do được cất tạm nhiều năm. Hiện tại, những cây cột chính của phòng học phải có cây chống vì quá mục có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Xung quanh phòng học được giáo viên chắp vá bằng những tấm bạt, cao su để chống mối mọt rơi xuống. Chúng tôi đến điểm Thới Bình 2 vào giữa trưa tháng 3 cũng vừa lúc những học sinh cuối cùng ra về. Cô Đinh Ngọc Nho, giáo viên dạy tại điểm đang xếp lại bàn ghế, mồ hôi ướt đẫm cả áo vì nắng gay gắt. Cô Nho kể: “Nhiều khi đang học, các cháu kêu lên “Cô ơi, con nực quá!”. Nhìn thấy các em mồ hôi nhễ nhại mình chỉ biết mua quạt giấy để cô trò cùng quạt với nhau. Nắng thì vậy, chứ những lúc trời mưa còn khổ hơn. Cô trò cùng nhau gom dụng cụ học tập vào một góc phòng để nước mưa dột xuống khỏi ướt. Nhiều hôm mưa to, gió lớn, tôi phải dắt học sinh đi trú mưa vì sợ lớp học sập xuống”. Theo cô Nho, thấy học sinh nóng nực quá nên phụ huynh đề nghị hỗ trợ cho lớp một cây quạt nhưng giáo viên không dám nhận vì ở đây có điện đâu mà sử dụng!
Không riêng gì điểm Thới Bình 2 mà 6/7 điểm trường của Trường Mẫu giáo Thới Xuân đều không có điện. Cô Huỳnh Thị Út, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thới Xuân, cho biết: “Trường vùng sâu, nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nên công tác vận động xã hội hóa, thu học phí… cũng gặp khó. Nhiều giáo viên còn mua đồ dùng học tập cho học sinh”.
Gặp lại bà Đinh Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Xuân A (huyện Thới Lai), bà phấn khởi cho biết: “Hai phòng học mới của trường tại điểm trung tâm sắp bàn giao, phòng học đẹp, hiện đại nên cả cô trò rất vui”. Có theo dõi từng bước đi của trường mới thấm thía niềm vui của các cô giáo Trường Mầm non Trường Xuân A. Trước đây, khi còn là một điểm lẻ của Trường Mẫu giáo Trường Xuân, trường cũng chỉ là những phòng học tạm, được cất từ cây, tôn do trường xin từ những căn nhà cũ rồi cùng phụ huynh dựng tạm trên phần đất mượn… Đây là lần đầu tiên Trường Mầm non Trường Xuân A có được hai phòng học khang trang. Thế nhưng, toàn trường vẫn còn đến sáu điểm lẻ ở các ấp đều là những phòng học tạm, mượn mái hiên của nhà dân hoặc mượn nhà thông tin… Chẳng những vậy, ngay cả khi được xây dựng hai phòng học mới ở điểm chính tại trung tâm xã thì tại nơi này vẫn thiếu phòng học, vẫn phải mượn phòng học để duy trì lớp học.
Còn tại xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai) đã hơn bảy năm được thành lập nhưng cơ sở vật chất của Trường Mẫu giáo Xuân Thắng vẫn không thay đổi. Điểm chính đặt chung với Trường Tiểu học Xuân Thắng, 5 điểm lẻ thì 2 điểm mượn nhà dân, 2 điểm mượn của UBND xã, tài sản duy nhất của trường là một phòng học do trường tiểu học bàn giao tại ấp Thới Hiệp đã xuống cấp trầm trọng… Vì vậy, việc thực hiện phổ cập mẫu giáo năm tuổi ở các trường mẫu giáo vùng ven cũng gặp ít nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hòa, nhà ở xã Xuân Thắng, nói: “Trường lớp mầm non thiếu thốn như vậy nên tôi cũng không an tâm khi cho con đi học. Định khi nào cháu vào lớp 1 hãy cho đi học luôn”.
Không riêng huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, tại huyện Vĩnh Thạnh, hầu hết các điểm trường mầm non, mẫu giáo đều tạm bợ, thiếu thốn. Nhiều xã mới chia tách chưa có trường, hoặc những xã có trường nhưng chưa có cơ sở vật chất riêng. Ngoài Trường Mầm non thị trấn Thạnh An đạt chuẩn quốc gia, các trường còn lại đều rất khó khăn về cơ sở vật chất. Không có phòng học nên học sinh phải học nhờ, học gửi. Theo ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh thì toàn huyện còn thiếu đến 74 phòng học dành cho trẻ mầm non, mẫu giáo.
Tình trạng phòng học tạm bợ, xuống cấp, mượn mái hiên của nhà dân… đồ dùng, đồ chơi không có, thiếu thốn, sân chơi cũng không… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy, liệu các em có thể phát triển một cách toàn diện?
Bảo Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)