Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP Cần Thơ: Học sinh thấp thỏm sợ trường sập

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói những năm gần đây cơ sở vật chất trường lớp ở TP Cần Thơ được xây dựng, nâng cấp khá nhanh. Mạng lưới trường lớp được mở rộng; nhiều trường mới, phòng lớp mới được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khi thành phố còn hàng trăm phòng học xuống cấp, học sinh học trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì sợ trường sập…

Những phòng học xuống cấp của Trường Tiểu học Trung Hưng 1, huyện Cờ Đỏ

Hơn 5 năm qua, điểm chính của Trường Tiểu học Trung Hưng 1, huyện Cờ Đỏ, chỉ được đầu tư xây mới 3 phòng học từ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 13 phòng còn lại của trường đều xuống cấp. Trong đó, có 4 phòng xuống cấp trầm trọng, các cột mái hiên xiêu vẹo, mưa dột, gió lùa. 5 phòng dãy ngang là 5 phòng cây tôn, cũng đang xuống cấp, mắt cáo bằng cây cũ kỹ, mái tôn rỉ sét. Tất cả các phòng học đều không có la-phông nên khi mưa thì ồn, nắng thì nóng. Cô Nguyễn Thị D., giáo viên của trường, cho biết: “Trời mưa, cô trò phải tìm chỗ trốn vì nơi thì bị dột, nơi thì bị tạt, phòng thì ngập nước. Vào mùa mưa, khó mà có một tiết học đàng hoàng”.

Nhiều trường, điểm trường đã xuống cấp nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp hoặc xây mới. Trường Tiểu học Trung Thạnh 2 thì nghiêng, kèo bị mục. 4 phòng học ở Trường Tiểu học Trung Thạnh 3 phải làm lại la-phông, còn tường thì bị răn nứt… Điều này làm cho nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi cho con em mình học trong những ngôi trường như thế, vì trường có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đến.
Có thể nói, huyện Cờ Đỏ là đơn vị còn rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị năm học mới. Một trong những nguyên nhân của việc chậm sửa chữa, nâng cấp là do huyện mới thành lập, thiếu nguồn kinh phí. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Ngoài việc chỉ đạo các trường vận động xã hội hóa để trang trí, quét vôi lại trường lớp, chuẩn bị năm học mới, ngành đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai sửa chữa những phòng học xuống cấp”. Ông Nghị cho biết thêm, để các trường an tâm bước vào năm học mới, ngành đang vận động các đơn vị xây dựng tiến hành sửa chữa trước, kinh phí trả sau.
Không riêng gì các huyện ngoại thành mà ngay cả quận trung tâm TP Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Điển hình như Trường THCS Tân An (quận Ninh Kiều). Năm học qua, một số lớp của trường phải học nhờ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Tổng hợp Hướng nghiệp thành phố. Năm học 2009-2010, tình trạng này vẫn tiếp diễn vì cơ sở vật chất hiện tại của trường đã xuống cấp, một số phòng học không thể sử dụng. Ở Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều), tuy dãy phòng học mới kiên cố vừa được đưa vào sử dụng nhưng dãy phòng học cũ của trường lại đang xuống cấp, bị dột, ngập và có nguy cơ tốc mái, sập khi mưa giông lớn. Trường Tiểu học Cái Khế (điểm trên đường Cách mạng Tháng Tám) cũng xuống cấp và bị ngập khi mưa lớn…
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, toàn thành phố còn gần 700 phòng học tạm cần được sửa chữa, xây dựng mới. Nếu tính theo tiêu chuẩn mới, con số phòng học tạm lên đến hơn 1.900 phòng.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2009-2010 do Sở GD-ĐT TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, ông Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là qui hoạch mạng lưới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, làm nền tảng cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thành phố với vị thế là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương”.
Thái Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)