Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP. Cần Thơ: Nhiều giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường TH Trà Nóc 4, quận Bình Thủy tập thể dục

Năm 2012, ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ có 15 trường được công nhận chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu đề ra. Số trường đạt chuẩn gồm: 4 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 1 trường THCS. Đây là một trong những thành quả rất ý nghĩa của ngành.
Sáng tạo trong cách làm
Giống như nhiều tỉnh/thành khác, khó khăn lớn nhất của TP.Cần Thơ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia là vấn đề diện tích đất tính trên học sinh (HS), kế đến là kinh phí xây dựng. Trong bối cảnh đó, để có những ngôi trường đạt chuẩn, ngoài điểm chung là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhiều quận/huyện có những sáng tạo riêng. Chẳng hạn ở Phong Điền, dù là huyện nghèo nhưng nơi đây có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều nhất TP. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Phong Điền: “Bí quyết” của ngành là khảo sát những trường có đủ hoặc gần đủ diện tích đất (10m2/HS), rồi tập trung đầu tư. Ông Hoàng nhấn mạnh: “Khi tham mưu cho huyện và các ban ngành, chúng tôi phải tính đến các giải pháp khả thi, theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” chứ tiền nhiều quá huyện làm sao có mà hỗ trợ?”. Từ cách làm đó, Phong Điền có những trường đạt chuẩn quốc gia tuy không bề thế, to lớn nhưng trường rất đẹp, ấm cúng với lối kiến trúc hiện đại, thoáng đãng, bên trong trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học. Cũng không thể không đề cập đến những quan tâm của chính quyền địa phương: Trong khi các quận/huyện khác chỉ dành 60% quỹ xổ số kiến thiết (do TP cấp để phục vụ ngành y tế và giáo dục) cho giáo dục thì Phong Điền chi hơn 80% quỹ này cho giáo dục, đồng thời vận động thêm từ các nguồn khác nhằm tăng cường trang thiết bị cho các trường.
Bà Trương Kim Khuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trao đổi: “Đảng bộ, UBND huyện xác định: Muốn thoát nghèo, phát triển bền vững thì phải ưu tiên chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đảng ủy Phong Điền ra nghị quyết: Mỗi năm huyện phải có ít nhất 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó chúng tôi chăm bồi, hỗ trợ kinh phí để đội ngũ thầy cô học tập nâng cao trình độ, đạt và vượt chuẩn. Đảng bộ Phong Điền chủ trương gắn việc đầu tư, chăm lo cho giáo dục với chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần tạo điều kiện học tập tốt cho con em địa phương”.
Như trên đã đề cập, khó khăn lớn nhất trong xây trường đạt chuẩn quốc gia là diện tích đất, và càng khó hơn đối với những khu vực nội ô, nơi tấc đất tấc vàng. Để khắc phục, cách làm của quận Bình Thủy là nghiên cứu tìm hướng mở rộng trường, kết hợp sự tham gia của hệ thống chính trị trong vận động, tuyên truyền. Năm nay Bình Thủy có 2 trường đạt chuẩn, trong đó có Trường TH Trà Nóc 4. Trước đây trường có 668m2, hiện nay tổng diện tích là 4.131m2. Kinh phí giải tỏa mặt bằng và xây dựng hơn 33 tỷ đồng, từ ngân sách quận. Ngôi trường nằm trên quốc lộ 91, là đất mặt tiền nên để mở rộng, Phòng GD-ĐT quận đã chọn hướng vươn ra phía sau trường, nơi đa số là đất vườn nên giá đền bù rẻ hơn. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, chia sẻ: “Các cuộc họp tổ dân phố đều có đại diện UBND quận, ban ngành, và bản thân tôi tới dự. Chúng tôi tranh thủ động viên bà con, nói về mục đích, ý nghĩa của việc giải tỏa: Tất cả cũng vì chăm lo cho thế hệ tương lai, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các cháu, trong đó có con em của các cô bác… Thời gian đầu khá nhiều hộ nhất quyết không chấp nhận nhưng chúng tôi cứ kiên trì, theo kiểu mưa dầm thấm sâu… Cuối cùng bà con đồng thuận. Hiện nay trường xây dựng khang trang, bà con càng hiểu hơn ý nghĩa sự hy sinh của mình”. Quận Bình Thủy hiện có 28 trường công lập và 30 cơ sở tư thục, trong đó 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Văn Xuân cho biết thêm: “Năm 2013, Bình Thủy phấn đấu xây dựng 2 trường đạt chuẩn. Bên cạnh đó chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở trường và xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia. Hiện có 2 dự án của nhà đầu tư được quận cấp phép”…
Hiệu quả bước đầu
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của TP.Cần Thơ. Nhiều trường, khi đạt chuẩn đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Trường TH Trà Nóc 4 thuộc phường Trà Nóc, quận Bình Thủy trước đây rất nhỏ hẹp, xuống cấp nặng. Trời mưa thì dột, mùa nắng thì nóng bức. Sân trường thấp, mưa to hoặc mùa nước nổi, nước tràn vào tận các lớp học… Bây giờ trường xây rất đẹp, 1 trệt 2 lầu, với 18 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, tổ chức được bán trú. Nếu trước đây hàng năm trường không tuyển đủ chỉ tiêu lớp 1 do những phụ huynh có điều kiện đều đưa con đến học các trường tốt hơn, thì năm học 2012-2013 trường tuyển vượt chỉ tiêu. Cô Nguyễn Thị Hồng Huế – Hiệu trưởng nhà trường – phấn khởi nói: “Có trường đẹp, phụ huynh quan tâm đến việc học của con hơn. Công tác xã hội hóa của trường nâng cao rõ rệt: Khi chúng tôi kêu gọi hỗ trợ các em nghèo, mọi người vui vẻ đóng góp. Những việc này trước đây trường chúng tôi không hề có”. Trường TH Nhơn Nghĩa 2, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, trước đây chỉ có 6 phòng, trong đó 4 phòng cấp 4 mái lợp Fibro xi măng, mùa nắng rất nóng bức, 2 phòng còn lại là nhà tạm, đòn tay bằng thân cây dừa. Cơ sở vật chất thiếu thốn, các em ngồi trên bàn ghế của HS THCS, ghế cao, phải gò lưng xuống để viết bài. Có khi đang học thì ghế gãy do bị mục. Chỉ có một phòng dành cho Ban giám hiệu và bộ phận hành chính, Đoàn Đội, làm việc chung… Từ khi xây trường mới trên diện tích mở rộng 3.527m2, ngôi trường nằm ven bến đò Rạch Sung này trở thành một trong những điểm văn hóa của xã. Thầy Nguyễn Văn Ngộ, Hiệu trưởng nhà trường, trầm ngâm: “Đối với trường tôi, khó nhất là vấn đề chất lượng. Do hầu hết phụ huynh là nông dân, trình độ còn hạn chế nên ít quan tâm việc học của con. Nhiều người giao khoán việc học, kể cả dạy dỗ con em cho trường. Tôi nói với các thầy cô: Khi đã đạt chuẩn mà còn HS yếu kém là không được, do vậy thầy cô rất cố gắng. Tổng kết năm học vừa qua, tỷ lệ HS giỏi tăng 33%”…
Đến nay TP.Cần Thơ có 79/415 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 19,03%. Tuy có chuyển biến so với những năm trước nhưng tỷ lệ này còn khiêm tốn so với chỉ số bình quân của cả nước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là TP còn khó khăn về ngân sách, kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất trường học tuy có tăng nhưng chỉ ở mức độ nhất định, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của giáo dục theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Do vậy, chỉ tiêu xây dựng 20 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013 theo nghị quyết HĐND TP là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, trao đổi: “Để đạt chỉ tiêu, sở đang chỉ đạo trong ngành và phối hợp các địa phương lập kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn, nhân rộng những cách làm hay, chủ yếu tập trung cho các trường cận chuẩn hoặc hội đủ điều kiện. Ngoài ngân sách Nhà nước, chúng tôi cố gắng phát huy mọi nguồn lực trí tuệ và vật chất của xã hội, trong đó đẩy mạnh hơn công tác xã hội hóa giáo dục để cùng chung tay chăm lo cho giáo dục”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
“Chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở trường và xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia”, ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, nói.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)