Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.Cần Thơ: Tìm giải pháp đầu tư phát triển GD-ĐT trên địa bàn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày  8-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ phối hợp với Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo  khoa học “Thực trạng và giải pháp đầu tư phát triển GD-ĐT trên địa bàn TP.Cần Thơ”. 


Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, nhấn mạnh: GD-ĐT là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Hội thảo là dịp để đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực GD-ĐT, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại TP.Cần Thơ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tình hình mới phù hợp với sự nghiệp phát triển đất nước đến năm 2030  và tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025). 


TS. Nguyễn Đắc Thanh, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trình bày các giải pháp góp phần thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018

Trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực GD-ĐT của TP được củng cố và mở rộng theo hướng chuẩn hóa, chất lượng; mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh (HS) ở các bậc học, cấp học ngày càng nâng lên. Tổng ngân sách TP.Cần Thơ chi cho GD giai đoạn  2010 – 2021 là 30.390 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,69%. Tính đến cuối năm 2020, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia 362/459 trường, tăng 174 trường so với năm 2015, đạt tỷ lệ 78,78%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phát triển mạnh (90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 5 trường đại học, 2 cơ sở đại học). Chương trình đào tạo mở rộng đa ngành nghề, đa lãnh vực. Các cơ sở GD quan tâm thực hiện GD toàn diện cho HS, chú trọng GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hoá ứng xử, giá trị văn hoá truyền thống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Chất lượng GD các cấp học ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên đội ngũ nhà giáo còn thừa – thiếu cục bộ ở các cấp học. Còn một bộ phận giáo viên (GV)  chậm đổi mới phương pháp dạy học theo tình hình mới.  Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản  sự nghiệp GD. Tuy thành phố luôn ưu tiên đầu tư cho GD nhưng nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học… rất lớn, nên chưa đáp ứng được mục tiêu  hoạt động GD toàn diện của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.


Các đại biểu tham quan sản phẩm của ngành GD-ĐT các quận, huyện trưng bày bên lề hội thảo

Tại hội thảo, nhiều  đại biểu  trình bày những giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục khó khăn,  tạo đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện; và tạo bình đẳng cho mọi người khi tiếp cận GD-ĐT, trong đó Ban cán sự Đảng UBND TP.Cần Thơ cho rằng: Bên cạnh  ngân sách của TP đầu tư cho GD-ĐT, ngành GD-ĐT thành phố cần tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính và vật chất cho các cơ sở giáo dục; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cưởng huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 – 2025; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GD trong việc huy động thêm nguồn kinh phi để đối ứng các chương trình, dự án, tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trưởng; tích cực huy động các nguồn lực cho giáo dục, thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền có kế hoạch dành quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, gắn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia với xây dựng nông thôn mới.

Thống nhất với chủ trương tăng cường xã hội hóa cho GD, TS. Nguyễn Đắc Thanh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), bổ sung các giải pháp góp phần thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, như: GV phải vận dụng linh hoạt các phương pháp phát triển phẩm chất và năng lực người học; chú trọng khai thác khả năng tiềm ẩn của HS trong hoạt động GD. Thực hiện đổi mới đánh giá HS. Tiếp tục hoàn thiện điều kiện tổ chức hoạt động GD, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông. TS. Nguyễn Đắc Thanh phân tích: “Một trong những cách khai thác tối đa nguồn CNTT trong giáo dục là sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, máy chiếu, bảng điện tử trong phòng học với các phần mềm giáo dục chuyên dụng. Giáo viên có thể sử dụng các phần mềm, ứng dụng giáo dục để giải thích bài học một cách sinh động, hấp dẫn hơn. Hơn nữa, các bài giảng trực tuyến, video giáo dục cũng là một trong những cách giúp HS tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Zalo, Skype để kết nối giữa GV và HS cũng là một trong những cách tiếp cận kiến thức nhanh chóng, tiện lợi. GV có thể tạo các nhóm trên Facebook hoặc Zalo để giao tiếp với HS, giải đáp thắc mắc, đưa ra bài tập cũng như chia sẻ thông tin hữu ích với HS và phụ huynh”.


Ban tổ chức và các đại biểu tham dự hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Tâm – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, thay mặt BTC,  ghi nhận  và đánh giá cao những  kiến giải, đề xuất của các đại biểu, các nhà khoa học và cho biết: Các ý kiến, tham luận này  sẽ  là cơ sở để Ban Tuyên giáo Thành uỷ và Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ hoàn thiện nội dung các văn bản tham mưu Ban Thường vụ Thành uỷ phục vụ Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Đan Phượng

 

 

Bình luận (0)