Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.Cần Thơ triển khai kế hoạch thực hiện giáo dục STEM đại trà

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-3-2023, tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học (TH) năm học 2022-2023 do Sở GDĐT TP.Cần Thơ  tổ chức, đã diễn ra trong không khí long trọng và vui tươi, với nhiều hoạt động phong phú.


TS. Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, phát biểu tại Ngày Hội

Hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo các Sở GD-ĐT: TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và An Giang, cùng lãnh đạo các phòng GD-ĐT thuộc 3 tỉnh – thành phố trên, cán bộ quản lý cùng các GV thuộc các trường TH của TP. Cần Thơ đã dự.

Giáo dục (GD) STEM là chương trình giảng dạy tiên tiến được thiết kế để trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, mỹ thuật; ứng dụng các môn học trong thực tiễn.

Tại TP.Cần Thơ, có 10 trường TH thuộc 5 quận, huyện:  Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền được chọn thí điểm, gồm các trường TH: Kim Đồng, Ngô Quyền, Bình Thủy, An Thới 2, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Việt Hồng, Thới Thuận 2, Thốt Nốt 1, Giai Xuân 1, Mỹ Khánh 1. Các trường đều có cơ sở vật chất tốt, đủ phòng học theo quy định, đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) năng động, được tập huấn các nội dung (mô-đun), bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT)  2018.


Các đại biểu tham dự

Tại ngày hội, TS. Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết: “GD STEM có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ngoài việc phát triển các năng lực và phẩm chất như định hướng của chương trình GDPT 2018, GD STEM đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao hứng thú học tập cho học sinh (HS) trong các môn học thuộc lĩnh vực STEM, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối với cộng đồng; giúp HS có cơ hội tiếp cận, có những hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM nhằm bước đầu tạo tiền đề cho định hướng nghề nghiệp cho các em. Ngày hội GD STEM cấp TH nhằm tạo cơ hội để các trường được giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức, sản phẩm trong lĩnh vực GD STEM. Chia sẻ các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động GD, trải nghiệm thông qua câu lạc bộ (CLB) STEM, trang bị cho HS các kĩ năng cơ bản: Xử lý tình huống thực tế, giao tiếp, tư duy phản biện, hợp tác, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập và đời sống. Đồng thời, Ngày hội STEM góp phần từng bước đưa GD STEM vào trong các nhà trường phổ thông”.

Thầy Lê Thanh Long – Trưởng phòng  Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết: Trong thực hiện thí điểm, Sở GD- ĐT đề nghị mỗi trường tổ chức dạy ít nhất 1 chủ đề/học kỳ/khối lớp. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu, 10 trường thí điểm thực hiện vượt kế hoạch, với 323 GV giảng dạy các bài học /406 GV được tập huấn; có 722 giờ dạy với 119 chủ đề STEM với 11.210 HS từ lớp 1 đến lớp 5 được học. Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT, Cần Thơ là địa phương có số HS cấp TH học GD STEM nhiều nhất trong cả nước.


Đại biểu tham quan sản phẩm STEM do các em HS làm

Bên cạnh việc tổ chức “Bài học STEM”, các đơn vị còn đa dạng hình thức GD STEM như tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các CLB nghiên cứu khoa học kỹ thuật, không gian trải nghiệm và các góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên trường. Một số đơn vị thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức được các CLB STEM-Robotic.

Phát biểu tại ngày Hội, đại diện các phòng GD-ĐT và các trường thí điểm đánh giá cao hiệu quả của GD STEM; góp phần giúp HS thêm yêu thích, sáng tạo và đạt chất lượng tốt hơn trong học tập; hào hứng tham gia các hoạt động, rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết.

Cô Lê Thị Hường – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, chia sẻ: 2 trường thí điểm (Trường TH Bình Thủy, TH An Thới 2) đã xây dựng kế hoạch và lịch dạy của từng chủ đề và báo cáo về Phòng GD-ĐT, qua đó Phòng theo dõi tình hình triển khai thực hiện, dự giờ để nắm tình hình.

Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, lãnh đạo các trường thí điểm chỉ đạo đội ngũ GV sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, xây dựng các chủ đề, thiết kế và dạy STEM phù hợp với năng lực HS của từng lớp qua 2 hình thức: Bài học STEM và tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM. Trong đó trường TH Bình Thủy đã tổ chức học STEM với robot, hình thành CLB STEM-Robotic: “Đến nay, 2 trường đã thực hiện 14 bài học STEM ở HKI ở các khối lớp. Các lớp đều có góc sản phẩm STEM. Kế hoạch bài dạy STEM được lãnh đạo trường phê duyệt trước khi đưa ra giảng dạy, tổ chức dự giờ góp ý đối với từng bài học trong tổ chuyên môn,  trước khi nhân rộng. Thông qua chương trình giáo dục STEM, GV đã thay đổi phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức. HS sau khi được truyền đạt kiến thức cơ bản theo hướng tích hợp, GV sẽ hướng dẫn làm các sản phẩm. Qua đó, HS bộc lộ và phát triển được năng lực, sáng tạo của bản thân, đồng thời nâng cao kĩ năng tư duy, phản biện, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề”- cô Hường đánh giá.

Trong khuôn khổ ngày hội, 10 trường TH thí điểm đã trưng bày các sản phẩm STEM của HS. Giới thiệu hoạt động của các CLB STEM. Tổ chức cho HS thiết kế sản phẩm STEM theo chủ đề “Chiếc cầu nối những bờ vui” trên cơ sở vận dụng tích hợp liên môn. Bên cạnh đó, các đại biểu đã dự giờ “Bài học STEM” do Trường TH Ngô Quyền xây dựng tiết dạy ở các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ tặng giấy khen và hiện vật cho 10 trường TH thí điểm, đã hoàn thành xuất sắc chương trình GD STEM

Tại Ngày Hội, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ triển khai kế hoạch thực hiện GD STEM đại trà của Bộ GD-ĐT. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa nội dung, kết quả của mô hình GD STEM cấp TH đến toàn ngành GD và trong các lực lượng xã hội,  để tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực của cộng đồng nhằm triển khai  hiệu quả GD STEM; 5 phòng GD-ĐT có trường TH được chọn thí điểm STEM đã có kinh nghiệm trong triển khai nên chia sẻ, tổ chức hội thảo, chuyên đề, thao giảng để các đơn vị được học tập kinh nghiệm, đồng thời có văn bản chỉ đạo nhân rộng 100% cơ sở giáo dục TH trên địa bàn.

Với 4 phòng GD-ĐT chưa tham gia thí điểm, cần có văn bản chỉ đạo phải có từ 2 đến 3 trường TH trên địa bàn tham gia thí điểm STEM trong năm học 2023-2024; triển khai nhân rộng 100% cơ sở giáo dục TH trên địa bàn vào năm học 2024-2025.

TP.Cần Thơ có 167 trường TH công lập, 2 trường TH ngoài công lập và một số trường ngoài công lập có nhiều cấp học. Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT phấn đấu để hơn 160 trường TH còn lại trên địa bàn thành phố sẽ đưa GD STEM vào giảng dạy.

Đan Phượng

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)