Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.Cần Thơ: Trường xập xệ giữa trung tâm sầm uất

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường Tiểu học Cái Khế 2 ra về trong con hẻm chật hẹp, phía trên đầu là nhà của người dân 

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP.Cần Thơ, trong đó phường Cái Khế là phường lớn nhất về diện tích, số dân và cũng là trung tâm thương mại, dịch vụ của TP.Cần Thơ. Thế nhưng giữa bối cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ấy, Cái Khế cũng “đứng đầu” quận Ninh Kiều về những khó khăn đối với cơ sở vật chất trường lớp.
Toàn phường Cái Khế chỉ có 1 trường mầm non nhỏ bé mà sức chứa không thể vượt quá 350 cháu, 3 trường tiểu học với tổng số HS 1.235 em và không có trường THCS. Trong số các trường, chỉ có Trường Mầm non 1/6 là tương đối tốt còn 3 trường tiểu học đều có diện tích nhỏ hẹp, thuộc dạng bán kiên cố, xập xệ và xuống cấp nặng.
Không sửa được vì sợ sập
Ở cả 3 trường tiểu học, dù đã vài lần tôn nền, đến nỗi các phòng chỉ có độ cao trên dưới 2m nhưng đều bị ngập nặng vào mùa nước nổi, HS phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Mà có dạy cũng khó hiệu quả khi trong các lớp thầy cô phải xắn quần bì bõm giữa dòng nước, còn HS thì co ro ngồi kiểu “chống lụt” trên ghế…
Trong các trường, ái ngại nhất là Tiểu học Cái Khế 2 (thuộc khu vực 5, phường Cái Khế). Nơi đây có 2 khu, đều nằm trong hẻm nhỏ: Khu A rộng 780m2, khu B: 555m2, với tổng số 405 HS theo học ở 15 lớp. Khu A vốn là trường tư nhân, xây dựng từ năm 1957, sau 1975 thì hiến cho Nhà nước. Đến nay cơ sở xuống cấp nặng, trường phải vá những vết nứt trên tường, dùng tre gỗ chắp vá những cột kèo hư mục. Còn khu B thì nằm cạnh nhà mộ. Các phòng học của hai khu có diện tích trên dưới 16m2 (trong khi qui định của điều lệ bậc tiểu học là diện tích mỗi phòng học ít nhất là 48m2). Trường chỉ có một thư viện nhỏ và một phòng làm việc chung cho Ban giám hiệu cùng bộ phận văn phòng, các phòng, ban. Trong các lớp, HS ngồi chen chúc, bàn GV gần sát bàn HS. Các vách ngăn bằng ván mỏng, mỗi khi lớp bên này học tiết tập đọc hoặc âm nhạc thì hai lớp bên cạnh, cô giáo chỉ có thể cho HS làm bài tập. Không chỉ thế, dù mái tole đã thay nhiều lần nhưng cứ mưa lớn là dột. Hiệu trưởng nhà trường Lê Mỹ Trang cho biết: “Hơn 50% HS của trường thuộc diện nghèo và cận nghèo, trong đó hơn 100 em có sổ hộ nghèo. Học kỳ II năm học này có 5 em nghỉ học trong đó 4 em do cha mẹ trốn đi vì vỡ nợ. Do vậy vận động xã hội hóa rất khó, càng không thể kêu gọi phụ huynh hỗ trợ tu sửa trường. Một số mạnh thường quân cũng muốn giúp trường nhưng không thể kham hết”. Anh Trường Hải – một chủ doanh nghiệp xây dựng – bộc bạch: “Thấy các em học như vậy thật ái ngại nhưng trường chỉ có thể xây mới toàn bộ chớ không thể sửa lẻ mẻ được, vì nâng cấp chỗ này thì chỗ khác sập do trường đã mục từ bên trong”…

HS học môn thể dục trong khoảnh sân trường nhỏ hẹp, nắng nóng của Trường Tiểu học Cái Khế 2

Trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng, lại nằm cạnh đường mương thoát nước của khu dân cư. Những khi mương thoát nước không kịp thì mùi hôi bốc lên nồng nặc, thầy trò vừa phải bịt khẩu trang khi dạy và học vừa phải đối phó với dịch muỗi… Sân trường thì nhỏ hẹp nên các lớp thay nhau học môn thể dục. Lớp nào phải học vào buổi trưa thì “tha hồ” đội nắng… Trường có nhiều  GV đạt giỏi các cấp nhưng do không có phòng tin học, phòng chức năng, cơ sở vật chất hạn hẹp nên thầy cô không thể ứng dụng đổi mới trong giảng dạy. Đáng ngại hơn, đường vào trường chỉ rộng 1,5m, nằm dưới tầng một nhà dân. Khi tan học, HS xếp thành hàng ra về trên con hẻm có nhiều xe máy và người dân qua lại. “Lối đi nhỏ hẹp nên nếu không may xảy ra sự cố gì trong khu vực, hoặc trong trường, chúng tôi sẽ rất khó bảo vệ HS”, cô Lê Mỹ Trang băn khoăn.
Trước thực trạng trên, những phụ huynh có điều kiện đã bằng mọi cách, cố gắng lo cho con em học ở những trường tốt như Tiểu học Ngô Quyền, Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Tiểu học Trần Quốc Toản, góp phần tạo áp lực cho những trường này vào mỗi mùa tuyển sinh. Ông Nguyễn Quang Duy, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, thừa nhận tình trạng “chạy trường” này. “Đối với một số trường hợp mà xét thấy hoàn cảnh các anh chị bức xúc quá, tôi đã xin phép thường trực, chỉ đạo Phòng GD-ĐT giải quyết bố trí cho con của họ học bán trú tại những trường thuộc các phường khác mà khả năng còn nhận được”, ông Duy thừa nhận.
Trường mới: Vẫn còn bế tắc
Năm 1999, tỉnh Cần Thơ (cũ) có quyết định 2791 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Cái Khế trên diện tích 8.961m2­ tại khu vực I, phường Cái Khế, nhưng để có mặt bằng, UBND tỉnh phải triển khai thêm 2 dự án thành phần là đường dẫn vào trường và khu tái định cư ngay tại khu vực I cho những hộ dân thuộc diện giải tỏa. Hiện nay dự án đường dẫn vào trường hoàn thành nhưng dự án khu tái định cư chỉ thực hiện khoảng 50% vì nhiều hộ dân chưa chịu giao mặt bằng. Thời gian kéo dài, đến nay khu đất đã giải tỏa lại bị một số hộ đến chiếm dụng, dựng nhà ở. Theo dự kiến lúc phê duyệt, kinh phí cho dự án xây trường là 28 tỷ đồng, qua 14 năm, tổng vốn đầu tư đã tăng gấp đôi nên dự án trên ngày càng đi vào bế tắc.
Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “Ngành GD-ĐT Cần Thơ chủ trương chỉ cấp vốn xây dựng những công trình trường học mà sau khi hoàn thành sẽ đạt chuẩn quốc gia, hoặc cận chuẩn. Trong khi các trường ở Cái Khế diện tích quá nhỏ nên không được cấp kinh phí xây dựng dù chúng tôi nhiều lần đề đạt”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Ông Nguyễn Tấn Triều, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, tâm tư: “Chúng tôi ao ước có trường THCS, có trường học đạt chuẩn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng năm, chúng tôi rất buồn khi phải “bó tay” trước tình cảnh bà con chạy đôn chạy đáo lo cho con cháu sang phường khác học”… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)