Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP đã tập trung tương đối đồng bộ chiến lược phòng chống dịch dựa vào 5 trụ cột

Tạp Chí Giáo Dục

Cần tập trung nghiên cứu, triển khai nhanh các biện pháp mới của Bộ Y tế đối với phân loại các cấp độ F0, F1 và nhanh chóng phối hợp với các gia đình để thực hiện cách ly, theo dõi điều trị tại nhà theo phương châm: “điều kiện đầy đủ, theo dõi sát, xử lý nhanh”. Và xem đây là giải pháp quan trọng nhất trong tình hình hiện nay. Đó là những ý kiến được nêu ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2021. Hội nghị diễn ra chiều 15-7.


Tiếp tục thực hiện chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, cuốn chiếu để xử lý từng vùng theo bản đồ

Tiếp tục phát huy 5 trụ cột chống dịch

5 trụ cột chống dịch cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại cuộc họp là: “truy vết – khoanh vùng – cách ly – điều trị – tiêm vắc xin”.

Ông Nên đánh giá 7 ngày qua TP làm được rất nhiều việc. Công tác phòng chống dịch của TP đã chuyển sáng trạng thái mới, từ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cho đến cách thức tổ chức phòng chống dịch trên khắp địa bàn. TP đã có sự phân công rõ ràng, rành mạch, cùng với đó hình thành các trung tâm điều phối trực thuộc Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Công tác xét nghiệm, thu thập dữ liệu các điểm thu dung cách ly điều trị cho đến các tổ Covid cộng đồng đều có nhiều hoạt động. Đặc biệt, tổ chức phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành Trung ương, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ của một số tỉnh, TP khác. 

Bên cạnh đó, TP đã tập trung tương đối đồng bộ chiến lược phòng chống dịch dựa vào 5 trụ cột: “truy vết – khoanh vùng – cách ly – điều trị – tiêm vắc xin”. “Đây là những việc phải làm thường xuyên. Sắp tới TP cần làm đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và có trách nhiệm cụ thể rõ ràng hơn”, ông Nên nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Thành ủy, mặc dù 7 ngày thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế, lúng túng. Số ca F0 vẫn tăng nhanh với số lượng lớn. F0, F1 tăng theo năng lực và cường độ xét nghiệm của TP cho thấy số ca dương tính vẫn còn ở ngoài cộng đồng chưa thể phát hiện kịp thời. Vấn đề này đòi hỏi TP cần tăng cường, chú ý tầm soát, truy vết, xét nghiệm sớm, ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng. Cố gắng ngăn chặn được các ca lây nhiễm mới bằng cách thực hiện nghiêm giãn cách.

TP cũng phát sinh những tình huống khó khăn mặc dù trong kế hoạch đã tính đến đòi hỏi các địa phương cần quan tâm xử lý, không để người dân bức xúc. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, cuốn chiếu để xử lý từng vùng theo bản đồ.

Ông cũng lưu ý, tập trung nghiên cứu, triển khai nhanh các biện pháp mới của Bộ Y tế đối với phân loại các cấp độ F0, F1 và nhanh chóng phối hợp với các gia đình để thực hiện cách ly, theo dõi điều trị tại nhà theo phương châm: “điều kiện đầy đủ, theo dõi sát, xử lý nhanh”. Xem đây là giải pháp quan trọng nhất trong tình hình hiện nay.

Tập trung nâng cao năng lực chăm sóc điều trị, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Quan tâm tâm lý xã hội cũng cực kỳ quan trọng, vì dân bất an thì không có sự ủng hộ cao. An dân không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể, không ban hành những quy định không rõ ràng gây khó khăn cho người thực hiện.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, 7 ngày qua TP đã sử dụng hết thời gian vàng để vừa khởi động nhanh, vượt chướng ngại vật nhưng vẫn còn đối diện nhiều thử thách. “Thời gian vàng còn lại cần tăng tốc, vượt chướng ngại vật để phấn đấu về đích theo kế hoạch. Có sự nỗ lực, tập trung thống nhất ý chí và hành động thì niềm tin đạt được yêu cầu đề ra là khả thi”, ông Nên nói.

Linh hoạt tính toán phương án phù hợp cho chính mình

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đánh giá những ngày qua TP.HCM đã nỗ lực rất lớn trong công tác phòng chống dịch, cơ bản triển khai nhanh và toàn diện Chỉ thị 16 nên đạt được kết quả khá tốt. Tuy vẫn còn một số hạn chế như tập trung đông người, số ca mắc vài ngày gần đây tăng nhiều thì cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm.

Ông cho rằng, còn 1 tuần nữa để TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, nếu số ca mắc còn tăng, tỷ lệ tử vong tăng thì TP khó lòng chấm dứt Chỉ thị 16. Số F0 hiện nay có khoảng 80% không có biểu hiện hoặc triệu chứng nhẹ, số ca tử vong so với thế giới không nhiều nhưng so với TP trước đây thì cao, nếu không kéo giảm F0 đòi hỏi TP phải suy nghĩ lại phương án thực hiện.

“Áp dụng phương án mới đồng nghĩa với ứng phó tình hình mới bị xấu đi. TP cần linh hoạt trong tính toán phương án phù hợp cho chính mình trên cơ sở đảm bảo an toàn chứ không chỉ chờ chỉ đạo từ bên trên”, ông Bình nói

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, TP nên xem xét trong tình hình hiện nay cần bổ sung những biện pháp mới như thế nào. F0 nếu điều trị được thì quá tốt nhưng nếu quá tải, cộng thêm F1 thì không khéo sẽ mất hết sức lực mà không giải quyết được vấn đề. Do đó, phải đánh giá kỹ việc cách ly, điều trị F0 hiện nay, có thể tổ chức tại nhà chứ không nhất thiết phải tập trung tuyến trên. Tuy nhiên, nơi ở tổ chức cách ly điều trị F0 phải đủ sức đáp ứng các yêu cầu chữa bệnh. Và dù điều trị ở nhà hay tuyến trên cũng phải chăm sóc kỹ tinh thần người bệnh, không để hoang mang hiểu sai sự việc. Tương tự đối với việc thực hiện cách ly F1, TP đã tận dụng các cơ sở cách ly rất tốt, có thể  tận dụng thêm cơ sở khác, thậm chí mở thêm dã chiến. Cách ly F1 tại nhà đòi hỏi cả sự giám sát của cộng đồng và ý thức cá nhân, gia đình là rất quan trọng. 

Về công tác tiêm vắc xin sắp tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lưu ý tập trung tiêm cho các đối tượng có nguy có cao, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chú ý tiêm cả lực lượng sản xuất trong các doanh nghiệp lớn, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao vì những đơn vị này đóng góp lớn cho kinh tế TP.


Các đối tượng có nguy có cao cần được tiêm sớm vắc xin

Trước đó báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, trong 7 ngày vừa qua, trung bình ghi nhận 1.305 ca nhiễm mỗi ngày trên địa bàn TP, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa.

Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, TP đã ghi nhận 20.411 ca dương tính. Hiện có 246 ca đang thở máy, trong đó có 7 ca cần can thiệp ECMO; 14.968 người đang cách ly tập trung và 37.400 người cách ly tại nhà. Ngành Y tế vẫn phát hiện ca nhiễm qua xét nghiệm giám sát tại cộng đồng.

Về năng lực điều trị, 3 ngày qua, TP đã đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư và một Trung tâm Hồi sức Covid-19 với công suất 1.000 giường. TP đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân. Bên cạnh đó, có 216 doanh nghiệp đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất, trong đó, 205 doanh nghiệp đang triển khai. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng. Khu Công nghệ cao cũng đã lên danh sách nhà trống để sẵn sàng chuyển mục đích thành khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến khi cần…

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)