Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

TP.HCM: 17 bảo vật quốc gia “hội tụ” tạo nên một bức tranh tổng thể về lịch sử – văn hóa Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 29-6, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia – Chõ gốm của sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo và khai mạc trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TP.HCM”.

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia – Chõ gốm của sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo

Tham dự có bà Nguyễn Thị Kim Ngân – nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia…

Đây là lần đầu tiên 17 bảo vật quốc gia của các bảo tàng công lập và nhà sưu tập tư nhân tại TP.HCM được trưng bày cùng nhau, tạo nên một bức tranh tổng thể về lịch sử – văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử đến hiện đại.

Khách tham quan bảo vật quốc gia

Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cho biết, tính đến năm 2025, Việt Nam có 327 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Trong đó, TP.HCM có 17 bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP và nhà sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo.

“Trưng bày lần này không chỉ tôn vinh bảo vật quốc gia mà còn là dấu mốc đáng nhớ khi những bảo vật hội tụ tại một nơi để người dân và khách tham quan chiêm ngưỡng. Để tránh xảy ra sự cố đối với bảo vật quốc gia, chúng tôi đã phối hợp với nhiều lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn cho bảo vật. Dù công tác an ninh được tăng cường nhưng quan trọng là ở người dân. Mỗi người hãy chung tay bảo vệ các bảo vật trong quá trình tham quan, thưởng lãm sẽ góp phần giúp trưng bày diễn ra thành công, an toàn”, ông Nhựt nhắn gửi.

Bảo vật quốc gia gắn liền với các yếu tố văn hóa phi vật thể

Các bảo vật quốc gia được giới thiệu gồm: Chõ gốm (văn hóa Đông Sơn) có niên đại khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay. Hiện vật thuộc sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2024.

Bên cạnh đó là  bảo vật thuộc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: Tượng Phật Đồng Dương (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ VIII- IX; Tượng Nữ thần Devi (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ X; Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ VIII – IX; Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ X; Tượng thần Vishnu (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ II- V; Tượng thần Surya (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ VI – VII.

Tượng Nữ thần Durga (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ VII – VIII; Tượng Avalokitesvara (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ VIII – IX; Tượng Phật Sa Đéc (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ IV; Tượng Phật Bình Hòa (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ IV – VI; Tượng Phật Lợi Mỹ (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ IV – VI; Tượng Phật Sơn Thọ (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ VI – VII; Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” có niên đại năm 1833.

17 bảo vật được trưng bày cùng nhau tạo nên bức tranh tổng thể về lịch sử – văn hóa Việt Nam

Trung bày lần này cũng giới thiệu bảo vật Khuôn in “Tín phiếu mệnh giá 5 đồng”, có niên đại năm 1947 của Bảo tàng TP.HCM; tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, được thực hiện từ năm 1969 đến 1989 và tranh “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng, được phác thảo năm 1967, hoàn thành năm 1978 thuộc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết, các trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia – Những kiệt tác di sản tại TP.HCM” không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp công chúng hiểu rõ hơn về giá trị của di sản văn hóa dân tộc, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy  các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Trưng bày được diễn ra đến hết ngày 10-8-2025 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Hồ Trinh

Bình luận (0)