Theo dự tính của cơ quan chức năng, TP.HCM từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 500 xe buýt được các đơn vị vận tải quyết tâm thay mới. Nghĩa là có khoảng hơn 40% xe buýt cũ kỹ của thành phố sẽ được đổi mới. Trong đó có hơn 50% số phương tiện được đổi mới là xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường.
Xe buýt CNG giúp cho học sinh, sinh viên đến trường tiện lợi và an toàn hơn |
Hai tuyến đầu tiên sử dụng 100% xe buýt CNG
CNG, hay còn gọi là nhiên liệu sạch, là một loại khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là mêtan (CH4) và etan (C2H6), nén ở áp suất 200-250 bar tại nhiệt độ thường. Nhiên liệu CNG có hàm lượng Octan cao nên không xảy ra hiện tượng kích nổ. CNG dễ tan vào không khí nên khả năng bắt lửa yếu, không gây cháy nổ. Ngoài ra, CNG còn có khả năng chống mài mòn, tăng tuổi thọ động cơ nên chi phí bảo dưỡng thấp và thời gian sử dụng dầu bôi trơn tăng. |
Đó là tuyến 33 (Bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐH Quốc gia) và tuyến 104 (Bến xe An Sương – ĐH Nông Lâm). Theo dự kiến 2 tuyến xe buýt CNG sử dụng khí nén thiên nhiên này sẽ được đưa vào hoạt động từ ngày 1-3 sắp tới. Như vậy, tuyến số 33 có tổng cộng 52 xe và tuyến 104 có 44 xe buýt CNG. Theo đó, giá vé được niêm yết gồm có 3 mức, 5.000 đồng/hành khách/lượt (tuyến có cự ly dài dưới 18km), 6.000 đồng/hành khách/lượt (tuyến có cự ly từ 18km trở lên) và giá vé 2.000 đồng/hành khách/lượt đối với học sinh, sinh viên.
Điều đáng mừng là tuyến xe buýt 33 và 104 là hai tuyến xe buýt đầu tiên trên địa bàn thành phố sử dụng 100% xe buýt loại CNG thân thiện với môi trường và được ngân sách thành phố trợ giá. Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải xe buýt 19-5, nhờ chính sách miễn thuế trước bạ đối với xe buýt nên các xã viên đã mạnh dạn đầu tư 100 tỷ đồng mua xe buýt CNG.
Được biết loại xe buýt CNG thân thiện với môi trường đã được lòng người dân thành phố từ năm 2011. Cụ thể Sở GTVT và Công ty SaigonBus đã đưa vào sử dụng 21 xe buýt “sạch” chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG trên tuyến Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn (mã số 1) vào ngày 26-8-2011 sau 2 tháng thử nghiệm. Tuyến xe CNG đầu tiên của thành phố đều được nhập mới từ Hàn Quốc với giá 100.000 USD/chiếc.
Tính đến nay, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng xe buýt CNG, cơ quan chức năng thành phố quyết định tiếp tục nhân rộng loại hình xe buýt thân thiện với môi trường bởi loại phương tiện này có nhiều điểm ưu việt như gầm xe thấp, bán vé tự động, hộp thư góp ý, tài xế trong đồng phục nghiêm chỉnh, 3 camera theo dõi liên tục, hệ thống đèn báo lộ trình luôn sáng đèn và chạy liên tục để người dân dễ nhận biết, lời rao cho từng trạm dừng, thiết bị giám sát hành trình giúp tài xế lái xe an toàn hơn, có cửa lên xuống cho xe lăn của người khuyết tật…
Từng là khách hàng thân thiết của tuyến xe buýt CNG Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn kể từ khi thành phố đưa vào sử dụng xe buýt CNG, bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên (ngụ quận 3) cho biết rất hài lòng với những chuyến xe êm ái, an toàn, trật tự, không phải chen lấn xô đẩy. Vì vậy khi hay tin cháu nội bà hiện là sinh viên năm 2 ĐH Nông Lâm, sắp sửa có thể đi học bằng xe buýt CNG làm cho bà rất vui: “Từ KCN Tân Bình đến ĐH Nông Lâm là một đoạn đường khá dài. Nhà chỉ có mỗi đứa con nên không thể cho nó ở trọ, mà phải đi về mỗi ngày. Thế nên cháu tôi được đi học bằng xe buýt CNG thì gia đình cũng an tâm hơn, vì sức khỏe nó vốn yếu ớt”.
50% xe buýt được đổi mới là xe buýt CNG
Nhiều ưu điểm Theo Sở GTVT TP.HCM, xe buýt chạy bằng khí CNG có rất nhiều ưu điểm như: Động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để và đặc biệt là tiết kiệm 30-40% nhiên liệu. |
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, tính từ thời điểm này đến cuối năm, thành phố sẽ có hơn 500 xe buýt được các đơn vị vận tải quyết tâm thay thế. Trong đó, hơn 50% số xe dự định được đổi mới trong năm nay là xe buýt sử dụng khí CNG. Theo đó, Sở GTVT và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cũng sẽ khuyến khích các đơn vị vận tải ưu tiên đổi mới xe buýt ở những tuyến đi qua các khu dân cư có mật độ lưu thông cao, nhằm từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường do khí thải xe cơ giới gây ra.
Ông Phúc cho biết thêm, bên cạnh việc ráo riết thay thế xe buýt CNG, đối với những xe buýt cũ chưa được thay mới, sẽ buộc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nên cũng hạn chế được tình trạng thải khói xe ra môi trường. Đồng thời, Sở GTVT cũng đã cho thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra liên tục, thường xuyên công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm hạn chế tối đa tình trạng xe buýt không được bảo trì đúng quy định, không đủ điều kiện kỹ thuật để phục vụ hành khách, thải khói đen, gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, dự án đổi mới 1.680 xe buýt của TP.HCM (trong đó có việc đổi mới 500 xe buýt trong năm nay) sẽ phải hoàn thành trong năm 2017. Như vậy, người dân thành phố có cơ sở để tin rằng, tình trạng xe buýt cũ kỹ, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn sẽ sớm được khắc phục trong tương lai không xa.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)