Ngày 11-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức vòng tuyển chọn dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2024. Vượt qua 610 dự án đến từ 250 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố, 60 dự án đến từ 45 trường dự thi ở 18 lĩnh vực đã tham gia tranh tài.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao đổi với học sinh trong vòng chung kết
4 dự án sẽ được lựa chọn bước tiếp vào vòng thi quốc gia.
Quy trình nghiên cứu được chuẩn hóa
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, gần 50% số lượng đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện được sự quan tâm lớn của học sinh với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp tạo nguồn dữ liệu đáng kểt cho các ngành giáo dục, văn hoá xã hội, thông tin truyền thông… biết thêm về thực tế giới trẻ để có những định hướng kịp thời.
Nhóm đề tài theo định hướng chuyển đổi số của thành phố như Hệ thống nhúng, Robot và máy thông minh, Hệ thống phần mềm… đã có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng và số lượng, thể hiện được sự chỉ đạo sâu sát của Sở GD-ĐT và sự nỗ lực của cơ sở trong hoạt động dạy học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
Nhóm đề tài là thế mạnh của thành phố như hóa sinh, kỹ thuật y sinh, hóa học, khoa học vật liệu… thể hiện được những bước tiến đáng kể, các đề tài được các nhà khoa học đánh giá cao, thể hiện sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của thầy và trò khi tham gia các dự án.
Kiến nghị thành lập bảo tàng khoa học mở, trung tâm nghiên cứu khoa học cho học sinh Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc nghiên cứu khoa học của học sinh thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhà trường chưa đạt hiệu quả cao. Các sản phẩm sáng tạo khoa học chưa được các doanh nghiệp sản xuất đại trà, chưa đem lại giá trị kinh tế cụ thể. Việc nghiên cứu dự án chưa thực sự chuyên sâu do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng các hoạt động thực hành, nghiên cứu, mới chỉ dừng đến ý tưởng và triển khai được một số bước cơ bản. Dự án triển vọng vẫn thiếu sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia uy tín, chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Bảo Quốc kiến nghị thành phố cần định hướng chỉ đạo thành lập các bảo tàng khoa học mở và các trung tâm nghiên cứu khoa học dành cho học sinh. Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên cần tăng số lượng dự án dự thi quốc tế và giao cho các khu vực tổ chức chọn dự án dự thi quốc tế. Bộ GD-ĐT cử giám sát và giám khảo. Đồng thời công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc thi cần rộng rãi đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội… |
“Năm học 2023-2024 các đơn vị đã có sự đầu tư rõ nét hơn về chất lượng và số lượng dự án. Quy trình nghiên cứu của học sinh ngày càng được chuẩn hóa đã tạo được một bước tiến lớn cho quá trình học tập và rèn luyện của chính bản thân. Bên cạnh các đơn vị có kinh nghiệm, xuất hiện thêm nhiều đơn vị mới, khẳng định hoạt động khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn thành phố. Thông qua cuộc thi giúp học sinh có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, địa phương… là cơ hội để học sinh có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội” – ông Quốc đánh giá.
Nhiều điểm mới
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, cuộc thi năm nay có nhiều đổi mới về yêu cầu và chất lượng của các dự án tham gia.
Cụ thể, dự án tham gia vòng thi cấp thành phố phải là dự án đã đạt giải ở vòng thi cấp cơ sở. Tiêu chí này giúp cho các cơ sở giáo dục có cơ hội phát triển phong trào nghiên cứu khoa học theo năng lực của học sinh và đặc thù tình hình cơ sở cũng như tại địa phương, giúp thầy cô giáo và khuyến khích các em học sinh nghiên cứu theo đuổi đam mê và ý tưởng. Chính vì lẽ đó, các dự án tham gia vòng thi cấp thành phố là các dự án có chất lượng chuyên môn cao.
Vòng thi cấp thành phố triển khai 2 hình thức chấm điểm, qua xét hồ sơ và phỏng vấn trực tuyến. Cách thức này giúp ban giám khảo tiếp cận ngay từ ban đầu tất cả các hồ sơ dự thi và trao đổi trực tiếp với học sinh, qua đó thể hiện rõ được ý tưởng, cách thức nghiên cứu, tính mới của các dự án, và kết quả chấm điểm chính xác hơn. thí sinh phải trải qua vòng thi phỏng vấn của giám khảo độc lập với nhau.
Năm nay, các dự án trong vòng chung kết được đánh giá có sự đầu tư cả về chất và lượng
Kết quả của vòng thi cấp thành phố là thành quả của 2 vòng thi và được thẩm định từ giáo viên có chuyên môn, các chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Điều này giúp ban tổ chức chọn được chính xác 4 dự án nổi bật nhất từ 60 dự án tham gia vòng tuyển chọn để dự vòng thi cấp quốc gia.
“Chất lượng dự án ngày một được nâng cao, học sinh đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở các dự án nghiên cứu là đa số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn. Các dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP.HCM, ví dụ như: Định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT TP.HCM; Thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giao tiếp hai chiều cho người điếc câm; Mô hình tự động hóa tại cảng Tân Cảng – Phú Hữu (TP.HCM), Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp…” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhận định.
Yến Hoa
Bình luận (0)